372. Doanh nghiệp cao su sản xuất chỉ thun

20/7/2011

Bản tin được trích lại từ trang web của Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt nam

Tăng giá trị sản phẩm tinh chế, giảm xuất khẩu nguyên liệu thô



Trước đây, các mặt hàng chỉ sợi cao su thiên nhiên (chỉ thun) ở Việt Nam chủ yếu được nhập khẩu từ Malaysia, Thái Lan, Trung Quốc. Tuy nhiên 3 năm trở lại đây, các doanh nghiệp sản xuất sợi chỉ thun trong nước đã chiếm ưu thế ở cả thị trường trong và ngoài nước. Hiện nay, có đến 90% lượng chỉ thun sản xuất ở Việt Nam được xuất khẩu sang nước ngoài. Nắm bắt được thị trường nhiều tiềm năng và có lợi thế về nguồn nguyên liệu, các DN ngành cao su cũng đang tiến đến sản xuất sản phẩm này.
Hàng nội đẩy lùi hàng ngoại
Một trong những doanh nghiệp có tiếng trong ngành sản xuất chỉ thun suốt hai thập kỷ nay và cũng là đơn vị đầu tiên tại Việt Nam đưa sản phẩm chỉ thun Việt ra thị trường thế giới là Doanh nghiệp tư nhân (DNTN) Long Thành. Ông Lê Văn Thiêm – Giám đốc DNTN Long Thành cho biết: “Với thâm niên hơn 20 năm sản xuất và xuất khẩu chỉ thun, mỗi năm Long Thành xuất khẩu 8.000 tấn sợi chỉ thun sang 18 thị trường, từ châu Á sang châu Âu”. DNTN Long Thành sản xuất cả trăm loại chỉ thun, từ sợi buộc tóc nhỏ xíu cho đến những sợi dây thun dùng trong công nghiệp có đường kính hơn 1,5 tấc. Riêng mặt hàng dây thun cột vàng mã, mỗi tháng DN này xuất 54 tấn sang Đài Loan. Ngoài ra còn có những lô hàng dây thun "đặc chủng" xuất sang Mỹ cho những người làm nghề phát báo, hay những loại dây thun với đủ kích cỡ dùng trong ngành y tế, thực phẩm ở Nhật, Pháp, Ý... Xưởng sản xuất dây thun của Long Thành hiện có trên 400 công nhân làm việc suốt ba ca, cho ra trung bình trên 3 tấn sản phẩm một ngày mà vẫn không đủ cung ứng cho đối tác.
Các sản phẩm sợi chỉ thun sản xuất tại Việt Nam đã đẩy lùi các sản phẩm cùng loại nhập khẩu từ nước ngoài. Ông Nguyễn Thế Tân – Nhân viên kinh doanh Công ty TNHH TM & DV Hải Thăng, cho biết: “Công ty chúng tôi trước đây chủ yếu cung cấp các mặt hàng chỉ thun được nhập khẩu từ Malaysia và Thái Lan. Những năm gần đây, khách hàng đã chuyển sang sử dụng sợi chỉ thun sản xuất trong nước, do chất lượng và mẫu mã như nhau, nhưng giá thành lại thấp hơn”.
Ngành cao su bắt tay vào sản xuất
Công ty CP Chỉ thun Đăk Lăk (thuộc Công ty TNHH MTV Cao su Đăk Lăk) là DN trong ngành cao su đầu tiên đầu tư nhà máy sản xuất chỉ thun, với tổng số vốn đầu tư trên 10 triệu USD. Công ty đã đầu tư toàn bộ máy móc, thiết bị và công nghệ mới, hiện đại có công suất 4.000 tấn sản phẩm/năm từ Malaysia. Nguyên liệu sử dụng cho nhà máy chủ yếu là mủ cao su ly tâm do công ty sản xuất. Các sản phẩm chỉ thun của công ty phục vụ cho ngành công nghiệp may mặc thời trang với 90% trực tiếp xuất khẩu. Đây là cách mà Công ty TNHH MTV Cao su Đăk Lăk định hướng tinh chế sản phẩm cao su, giảm bớt xuất khẩu nguyên liệu thô. Thực tế, mỗi đơn vị nguyên liệu thô nếu chuyển qua sản xuất sản phẩm chỉ thun có khả năng tăng gấp 3 lần giá trị. Ông Võ Tiến Trung – Giám đốc Công ty CP Chỉ thun Đăk Lăk cho biết: “Sản phẩm sợi chỉ thun cao su sẽ góp phần nâng cao chất lượng và tăng giá trị công nghiệp từ sản phẩm cao su thiên nhiên, làm giảm tỷ lệ xuất khẩu cao su thiên nhiên dưới dạng nguyên liệu, đồng thời tạo việc làm và thu nhập ổn định cho người lao động”.
Nắm bắt được tình hình thị trường trong và ngoài nước đang có nhu cầu nhiều về thị trường sản phẩm chỉ thun làm bằng cao su thiên nhiên, VRG mới đây đã quyết định thực hiện dự án sản xuất mặt hàng này. Dự án được nghiên cứu bởi Tổng công ty Công nghiệp Sài Gòn. Ông Lê Xuân Hòe, Phó TGĐ VRG cho biết: “Rút kinh nghiệm từ các dự án trước, dự án lần này sẽ được đầu tư bài bản, nghiên cứu kỹ lưỡng hơn, đầu tư công nghệ thiết bị của Châu Âu. Ban đầu sẽ thực hiện một dây chuyền với công suất 2.500 tấn, sau đó tùy vào thị trường và sự phát triển sẽ đầu tư các dây chuyền khác”.
Dự án này, gồm có 5 đơn vị hợp tác đó là Tổng Công ty Công nghiệp Sài Gòn (CNS), Tập đoàn Dệt may Việt Nam (VINATEX) và VRG, mỗi đơn vị đóng góp 25% vốn điều lệ, Tổng Công ty Cao su Đồng Nai góp 15% và Công ty CP Cao su Bến Thành góp 10% vốn điều lệ. Đây là một mô hình hợp tác khép kín, từ khâu cung cấp nguyên liệu của VRG, đến bên bảo đảm kỹ thuật, con người của CNS và cuối cùng là bảo đảm sản phẩm đầu ra bên VINATEX. Dự án có tổng vốn đầu tư trên 260 tỷ đồng. Dự kiến dự án sẽ được triển khai trong năm 2012.
Ngọc Cẩm – Minh Tâm
Nguồn: Tạp chí cao su Việt Nam





Ngoài dây thun, cao su thiên nhiên được sản xuất ra rất nhiều sản phẩm khác nhau có giá trị.
Nếu sản phẩm cần lực kéo đứt cao, cao su thiên nhiên là sự lựa chọn đúng
SIÊU THỊ CAO SU :  Bạn có thể  theo đường dẫn sau  www.caosuviet.vn