Tổng diện tích vườn cây kinh doanh năm 2012 của toàn VRG là 164.983 ha, với kế hoạch sản lượng 260.500 tấn, năng suất bình quân dự kiến chỉ đạt 1,58 tấn/ha. Nguyên nhân là do diện tích vườn cây thanh lý ngày càng nhiều, cộng thêm vườn cây già, đã qua thời kỳ sung sức cũng chiếm tỷ lệ cao tại một số đơn vị.
Theo ông Nguyễn Tấn Đức - Trưởng Ban QLKT VRG, do cơ cấu tuổi của vườn cây, khi đạt đỉnh điểm năng suất thì rất cao nhưng ngược lại đến thời kỳ xuống thì xuống không phanh. “Tổng diện tích mở miệng cạo mới chưa đến 5%, vườn cây khai thác từ 2 đến 5 năm cũng chưa đến 15%. Vấn đề là mình kiểm soát để xuống đến mức nào là vừa. Nên cho chủ trương cạo tận thu chậm lại, nếu tận thu nhanh thì sẽ nhanh hết vỏ cạo, dẫn đến mau thanh lý”, ông Đức nêu quan điểm. Ngoài ra ông Đức cũng lưu ý các đơn vị phải kiểm soát chặt chẽ theo quy trình kỹ thuật, trước mắt nếu vì sản lượng giảm mà khai thác không kiểm soát sẽ làm suy kiệt vườn cây, gây hậu quả cho những năm tới.
TGĐ VRG Trần Ngọc Thuận cho rằng, trong năm 2012 sẽ có phương án hợp lý, không nhất thiết phải thanh lý như thời điểm hiện nay bằng cách đưa ra một số phương pháp quản lý mới về kỹ thuật. Nếu có điều chỉnh về quy trình kỹ thuật thì sẽ tính toán lại và chủ động về lộ trình thanh lý và tái canh. Như vậy, kế hoạch (KH) sản lượng năm 2012 giảm đến 4.500 tấn so với năm 2011 (KH 2011 là 265.000 tấn). Sản lượng giảm tập trung chủ yếu ở khu vực Đông Nam bộ. Khu vực miền Trung và Tây Nguyên có tăng về sản lượng so với năm trước, do cơ cấu tuổi vườn cây. Theo thống kê của Ban Quản lý Kỹ thuật VRG, diện tích khai thác năm 2012 của 11 đơn vị chủ lực ở miền Đông Nam bộ giảm đến 7% so với năm 2011, năm 2012 chỉ còn 105.641 ha so với 113.627 ha của năm 2011, tức giảm khoảng 7.986 ha. Điều đáng lưu ý là cơ cấu vườn cây già ở một số đơn vị ngày càng tăng, nhóm cây khai thác 18 năm trở lên chiếm đến 38,7% trong tổng số vườn cây khai thác ở các đơn vị này. Trong đó các đơn vị có tỷ lệ cao như Hòa Bình 66%, Dầu Tiếng 58%, Phú Riềng 44%, Bình Long 44%, Đồng Phú 30,7%...
Đơn vị có diện tích lớn thứ nhì VRG là Dầu Tiếng trong năm 2012 diện tích khai thác chỉ ở 19.490 ha, trong đó mở cạo mới đến 944 ha. Bởi vậy kế hoạch VRG giao cho đơn vị này là 33.000 tấn, năng suất dự kiến chỉ ở mức 1,69 tấn/ha. Điều đáng lưu ý là sản lượng đăng ký năm 2012 của đơn vị này giảm đến gần 4.000 tấn so với năm 2011, chiếm phần lớn trong sản lượng giảm của toàn VRG. Nguyên do là vườn cây già của Dầu Tiếng đang chiếm diện tích lớn, trên 58%. TCT CS Đồng Nai có diện tích khai thác lớn nhất VRG với 22.240 ha nhưng do vườn cây già chiếm tỷ lệ lớn, năng suất dự kiến chỉ 1,42 tấn/ha nên sản lượng VRG giao chỉ 31.500 tấn. Tuy nhiên theo đánh giá, sau khi ổn định vườn cây, Đồng Nai có khả năng đạt sản lương cao trong năm nay.
Do thực lực vườn cây khai thác đang trong thời kỳ đỉnh điểm nên dự kiến năng suất dẫn đầu trong năm 2012 vẫn là 2 đơn vị Đồng Phú (2,11 tấn/ha) và Tây Ninh (2,07 tấn/ha) như các năm trước. Kế đó là Phước Hòa (1,9 tấn/ha), Tân Biên (1,88 tấn/ha).
Khối các đơn vị ở Tây Nguyên, tất cả các công ty đều được VRG giao kế hoạch sản lượng tăng hơn so với kế hoạch 2011 (sau khi đã điều chỉnh giảm do vườn cây bị bệnh phấn trắng nặng). Công ty Kon Tum được giao 12.000 tấn, Chư Sê 9.300 tấn, Chư Prông 8.700 tấn, Mang Yang 7.000 tấn. Do bị ảnh hưởng nặng nề của bệnh phấn trắng năm 2011, vườn cây suy yếu nên theo lãnh đạo các đơn vị tại Gia Lai và Kon Tum, rất khó hoàn thành kế hoạch này của VRG giao, có thể sẽ tiếp tục điều chỉnh trong năm 2012. Riêng đối với 2 đơn vị tại Đăk Lăk, lãnh đạo 2 công ty này đều khẳng định sẽ hoàn thành vượt chỉ tiêu của VRG giao, cụ thể tại Công ty Ea H’leo được giao 4.900 tấn, tăng 200 tấn so với 2011, theo lãnh đạo công ty thì công ty phấn đấu khai thác được trên 5.000 tấn. Còn tại Công ty Krông Buk thì sẽ phấn đấu khai thác vượt từ 3 - 5% sản lượng được giao 3.650 tấn. Vư
Nguyên Khánh
Nguồn: Trích từ trang web của Tập đoàn công nghiệp Cao su Việt nam