Diễn đàn cao su:
Theo Hiệp hội Cao su Việt Nam và Hội Cao su-nhựa TPHCM, những năm qua DN trong nước đã tiến sâu hơn vào ngành công nghiệp săm, lốp xe, đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ.
Tuy nhiên, hiện nay trên thị trường, các sản phẩm săm, lốp ngoại xuất xứ từ Thái Lan, cũng như sản phẩm của các tập đoàn nước ngoài đang đầu tư sản xuất tại Việt Nam với công nghệ hiện đại đang ngày càng mở rộng hệ thống đại lý và thâm nhập nhiều hơn vào các cửa hàng bán lẻ.
Các sản phẩm này có giá thành không chênh lệch nhiều so với hàng nội, nhưng khách hàng lại chuộng thương hiệu hàng ngoại nên có ưu thế cạnh tranh hơn so với sản phẩm săm lốp nội. Cụ thể, hiện nay các sản phẩm săm, lốp xe nội đang khó khăn cạnh tranh với các DN FDI đến từ Đài Loan, Hàn Quốc và châu Âu.
Để cạnh tranh, các công ty nội đã đẩy mạnh đa dạng hóa sản phẩm như CTCP Cao su miền Nam (Casumina) cho ra đời sản phẩm cao cấp Euromina. Đồng thời, đơn vị này cũng sẽ đưa ra thị trường sản phẩm lốp xe tải radial toàn thép cho các loại xe ô tô. CTCP Cao su Đà Nẵng (DRC) cũng sẽ tung ra sản phẩm tương tự để phục vụ cho thị trường.
Dù các DN trong nước đang nỗ lực lớn để phát triển ngành săm, lốp nhưng các chuyên gia cho rằng vẫn còn một khoảng cách rất lớn giữa sản phẩm nội và sản phẩm ngoại. Các thương hiệu như Michelin, Bridgestone sử dụng hoàn toàn công nghệ từ châu Âu, Kumho có nguồn công nghệ từ công ty mẹ tại Hàn Quốc nên ưu thế luôn cao hơn.
Trong khi đó, tại thị trường trong nước, toàn ngành chỉ mới có một số ít DN tham gia, trong đó chỉ có Casumina hoạt động dựa trên công nghệ châu Âu, DRC dựa trên dây chuyền công nghệ Nhật Bản, châu Âu. Còn đa số các DN khác sử dụng máy móc thiết bị kém chất lượng nhập khẩu từ Đài Loan, Trung Quốc, không xây dựng được thương hiệu.
Đặc biệt, cho đến nay, Việt Nam là nước duy nhất trong 10 nước ASEAN vẫn chưa có quy chuẩn quốc gia đối với mặt hàng cao su, săm, lốp xe. Điều này làm ảnh hưởng đến sức cạnh tranh của những thương hiệu có uy tín như Casumina, DRC.
Do thiếu quy chuẩn quốc gia nên các DN Việt Nam gặp nhiều rào cản bảo hộ thương mại khi xuất khẩu đi các nước. Tiêu thụ trong nước không cao, xuất khẩu gặp khó nên trong 9 tháng, tồn kho lốp ô tô tăng 28%, tồn kho lốp xe máy tăng gần 49% so với cùng kỳ 2011.
Muốn giải quyết vấn đề, ngành săm, lốp xe cần sớm có quy chuẩn kỹ thuật quốc gia, tăng cường niềm tin của người tiêu dùng đối với hàng nội, cũng như cần có những biện pháp bảo hộ các nhà sản xuất trong nước. Bản thân các đơn vị sản xuất săm, lốp trong nước cũng cần nghiên cứu sản phẩm ngoại để kịp thời rút kinh nghiệm, cải tiến, nhằm nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm săm, lốp nội trên thị trường.
ĐỖ LINH
Nguồn: Báo Sai gòn đầu tư
http://www.saigondautu.com.vn/Pages/...quy-chuan.aspx