145. Cao su thiên nhiên : Hiệu quả từ phương pháp chế biến mủ tờ bằng công nghệ cưa lạng

21/5/2011
Hình ảnh sản phẩm cao su từ cao su thiên nhiên
Ngành sản xuất các sản phẩm cao su kỹ thuật, cao su phụ tùng cũng dùng rất nhiều nguyên liệu cao su là cao su thiên nhiên ( cao su tự nhiên).
Việc tìm hiểu các phương pháp sản xuất nguyên liệu đầu vào cũng rất cần cho định hướng sử dụng.
Ngày cả việc khi nào dùng cao su cốm, cao su tờ cũng cần cân nhắc.
Hiệu quả không nhất thiết từ một mục tiêu nào.

Mời các bạn xem bài viết đã đăng trong Diễn đàn cao su caosu.org





Những năm gần đây, mủ tờ RSS có một chỗ đứng vững chắc trên thị trường tiêu thụ, nhất là vào đầu năm nay, giá mủ RSS có thời điểm cao hơn hẳn so với mủ cốm. Mủ tờ có chất lượng cao, một phần nhờ vào công nghệ cưa lạng (Sliding Cutting Technology).

Nhược điểm của các công nghệ chế biến mủ tờ trước đây

Sản xuất mủ tờ RSS có nhiều công nghệ khác nhau, trước đây chủ yếu là công nghệ của người Pháp như: công nghệ tấm lak rời, công nghệ tấm lak liên kết (xưởng chế biến thuộc Liên hiệp Công đoàn Cao su tại xã Xuân Bảo, huyện Cẩm Mỹ, Đồng Nai), công nghệ lạng – Mulô (hiện đại nhất của thập kỷ 70, ngày nay còn một dây chuyền hoạt động tại Công ty TNHH MTV Cao su Lộc Ninh). Một trong những nhược điểm lớn nhất của mủ tờ RSS là chi phí nhân công cao, ngoài ra, do đặc điểm của công nghệ tấm lak, quá trình tạo tờ không đồng đều, làm sản phẩm không ổn định, chi phí năng lượng cao.

Hiện nay trong VRG có 5 nhà máy và 2 xưởng chế biến mủ tờ với công suất chế biến khoảng 10.000 tấn/năm. Trong đó, có một nhà máy chế biến mủ tờ áp dụng công nghệ cưa lạng với quy mô 3.000 tấn/năm (Nhà máy Chế biến Suối Kè – Công ty TNHH MTV Cao su Bình Thuận). Qua quá trình chế biến, đã thể hiện những ưu điểm nổi trội so với công nghệ lạng – Mulô và công nghệ tấm lak rời, tấm lak liên kết.

Công nghệ tấm lak rời: Tạo tờ không ổn định, chi phí đầu tư trung bình, nhiều công lao động, chi phí năng lượng cao, thiết bị đơn giản; phù hợp với công suất nhỏ (dưới 1.000 tấn/năm); khả năng vượt tải kém; phù hợp với cao su tiểu điền.

Công nghệ tấm lak liên kết: Tạo tờ không đồng đều, chi phí đầu tư cao, nhiều công lao động (tách dây mủ ra khỏi dàn tấm lak mất nhiều công và thời gian), chi phí năng lượng cao, thiết bị phức tạp, rườm rà, chi phí sửa chữa lớn (do tấm lak hay bị cong vênh, nhiều thiết bị); phù hợp với công suất trên 1.500 tấn/năm; khả năng vượt tải kém (non tải 26,6%).

Công nghệ lạng – Mulô: Tạo tờ mủ đồng đều, nhưng thao tác nặng nề, tốn nhiều công lao động, chi phí đầu tư lớn, thiết bị máy lạng phức tạp, chất lượng đồng đều, ổn định; phù hợp với công suất trên 1.000 tấn/năm.

Hiệu quả cao với công nghệ cưa lạng

Sản xuất mủ tờ theo công nghệ cưa lạng có thể khắc phục những nhược điểm của 3 công nghệ nêu trên. Từ công đoạn đánh đông được thiết kế có tính đồng bộ, tạo ra sự đồng dạng cao về chất lượng khi cao su đông tụ; công đoạn nạp nguyên liệu cho máy lạng cũng được giảm nhẹ nhờ sự hỗ trợ của thiết bị. Quan trọng nhất là tạo tờ bằng máy cưa lạng, rất đơn giản, nhẹ nhàng; tạo ra các tờ mủ có chiều dày đồng đều (máy cưa lạng được định vị mỗi lần cắt tờ mủ dày 2 li), yếu tố này giúp giảm chi phí chất đốt khoảng 20% cho 1 tấn sản phẩm. Chất lượng sản phẩm đồng đều và khả năng vượt tải cao (trên 23% so với công suất thiết kế); trong khi công lao động giảm từ 2 - 2,5 công so với công nghệ trước đây.

Một đặc điểm rất độc đáo của công nghệ cưa lạng là công suất thiết kế phù hợp với nhiều mức công suất từ 500 - 5.000 tấn/năm, do đó phù hợp với nhiều mô hình sản xuất từ tiểu điền cho đến đại điền. Với điều kiện và phương pháp chế biến đặc trưng của máy cưa lạng, mủ tờ ít bị băm nên cường lực kéo đứt rất cao, ít bị lão hóa, thích hợp cho các sản phẩm đòi hỏi tính kháng đứt cao, kháng mòn, cũng như độ cứng cao.

Ông Nguyễn Hoàng Thái – Phó Ban Công nghiệp VRG, nhận xét: “Những ưu điểm và lợi ích khi sản xuất mủ tờ RSS bằng công nghệ cưa lạng, đã mang lại một chỗ đứng vững chắc và khả năng cạnh tranh với sản phẩm cao su chế biến từ mủ nước như mủ cốm SVR 3L, vì chi phí đầu tư và chi phí chế biến thấp hơn, trong khi thị trường hiện nay, mủ tờ RSS có giá bằng, đôi khi cao hơn SVR 3L”.

Ngọc Cẩm

Qui trình sản xuất mủ tờ theo công nghệ cưa lạng đơn giản hơn những công nghệ trước đây rất nhiều: Mủ được đưa vào mương, tạo đông bằng dung dịch axit formic nồng độ 2%, pH đánh đông khoảng 5.2, sau 8 tiếng có thể sản xuất được. Dùng tấm lak định vị trong mương thành khối vuông và đưa vào máy cưa lạng. Máy cưa lạng được định vị mỗi lần cắt tờ mủ dày 2 li; sau đó được cán tạo tờ qua máy cán 5 cặp trục; tiếp theo, tờ mủ được phơi lên sào tre, để ráo 1 đến 2 ngày (sơ sấy), sau đó cho vào lò xông sấy ở nhiệt độ 50 - 600C.
Nguồn : http://caosuvietnam.net/caosuvietnam...-cua-lang.html