229. “Tái chế” vỏ ôtô

 24/6/2011 2.6
Trích lại từ báo Tuổi trẻ, tp Hồ chí Minh


TT - Nhiều cơ sở chuyên tái chế vỏ ôtô bằng các thủ thuật “chạm, khắc”, dán lại lớp gai lên lớp vỏ cũ tạo thành những rãnh sâu mới để qua mặt cơ quan đăng kiểm.

Tại cửa hàng mua bán vỏ ôtô Hùng Phước (quốc lộ 1A, P.Tân Hưng Thuận, Q.12, TP.HCM), ông Phước, chủ cửa hàng, dẫn khách ra kho bãi phía sau, nói: “Anh thoải mái chọn lấy mấy cặp vừa ý, tôi sẽ để giá hời và cho thợ tút lại nghiêm chỉnh trước khi giao vỏ”. Hàng trăm chiếc vỏ ôtô cũ đủ kích cỡ, đủ nhãn hiệu như SRC, DRC, Bridgestone, Michelin, Yokohama... xếp thành đống đang được nhiều khách lựa chọn.
Khắc rãnh, đắp mới vỏ cũ
Ông Phước cho biết: “Những chiếc lốp ôtô này chất lượng chỉ còn khoảng 30%, bọn tôi thu mua với giá từ 200.000-500.000 đồng/vỏ”. Theo ông này, khâu thu mua vỏ cũ giữa các lò tái chế rất cạnh tranh nhau. Tại TP.HCM có cả trăm lò đắp vỏ như ở đây. Để thu mua vỏ cũ, ông Phước phải đặt hàng trước và giao cho nhân viên chuyên đi khắp tỉnh thành gom từ các chủ xe khách, xe tải... Vỏ cũ thu mua về được phân loại theo kích cỡ, chủng loại. Sau đó ông giao cho thợ khắc, chạm để tạo những đường rãnh sâu, vỏ sẽ được dán một lớp gai cao su mới để tạo gai cho vỏ. Sau đó đem sơn đen để che những vết khắc, đắp mới trên vỏ.
Một người thợ của cơ sở đang xỉa gai cho một chiếc vỏ đã mòn hết gai hiệu Michelin. Chiếc vỏ này là loại gai dọc. Đôi tay anh ta thoăn thoắt dùng một thanh kim loại, có một đầu hình vành khuyên được mài bén xỉa tới xỉa lui để cắt sâu vào phần vỏ nhẵn nhụi, rồi lại lột ra một sợi cao su chính là phần thịt của vỏ xe, tạo thành một rãnh mới theo những rãnh cũ đã mòn trên vỏ. Sau khoảng 50 phút, chiếc vỏ cũ đã được người thợ này “lột xác” hoàn toàn.
Những đường rãnh mòn trơn trở nên sâu, đều đặn. Nếu không nhìn kỹ thì khó ai nhận biết đó là chiếc vỏ được tân trang. Ông Phước tiết lộ: “Khách của tui đủ dạng. Từ khách thích hàng còn mới nhưng ham giá rẻ đến khách chỉ muốn hàng còn nhìn được, cốt yếu để né các đợt kiểm tra của cơ quan đăng kiểm, cảnh sát giao thông”.
Ông Hùng, chủ chiếc xe Hyundai loại 24 tấn đang ráp vỏ tân trang tại đây, nói: “Xe tui chạy đường dài, cứ vài tháng là phải thay vỏ nên tui chọn mua vỏ cũ rẻ được một đống tiền, chứ mua vỏ mới chạy không còn lời. Tháng nào lỗ quá thì đưa xe đến đây để xỉa lại rãnh vỏ rồi chạy tiếp”.
Cách lò của ông Phước không xa, một nhóm thợ của lò tái chế vỏ ôtô Hoàng gần đó đang hì hục xỉa rãnh cho hàng chục chiếc vỏ hiệu Bridgestone, DRC... Cao su xỉa ra từ những chiếc vỏ chất thành đống trong nhà kho. “40.000 đồng công khắc vỏ loại gai dọc, 50.000 đồng khắc vỏ loại gai ngang, làm bốn vỏ cùng lúc thì bớt 20.000 đồng” - ông Hoàng, chủ cơ sở, ra giá. Cơ sở của ông Hoàng ngoài việc nhận tân trang vỏ ôtô “đạt chuẩn” cho cánh tài xế để họ đưa xe đi đăng kiểm còn là đại lý phân phối các loại vỏ ôtô cũ, mới để xuất đi các tỉnh Gia Lai, Kon Tum, Đắk Nông...
Mỗi vỏ ôtô cũ tân trang, ông Hoàng bán với giá 700.000-1,5 triệu đồng, thấp hơn rất nhiều so với giá vỏ xe mới. Ông Hoàng khẳng định: “Vỏ bị lòi bố, mòn mất luôn rãnh thì chỗ tui đều làm mới được hết”.
Một sản phẩm cao su kỹ thuật được chế tạo từ NBR kháng dầu



“Ép số” né đăng kiểm
“Để né các cơ quan đăng kiểm, nhiều chủ xe đã “hô biến” chiếc vỏ xe quá cỡ của mình thành những chiếc có thông số giống như trong sổ đăng kiểm. Thông thường, những chiếc xe tải chở hàng nặng sẽ chạy cỡ lốp 11, tức đường kính là 110cm để chở được nhiều hàng. Nhưng trong sổ đăng kiểm chỉ là cỡ vỏ 10. Những thông số này đều được in nổi bên hông mỗi chiếc vỏ xe. Để làm các thông số này nhỏ đi, chỉ cần 20 phút những chiếc vỏ cỡ 11 sẽ được ép xuống 10. Công đoạn này được gọi là ép số” - ông Hùng, người chuyên môi giới khách với các cơ sở tái chế vỏ ôtô cũ, nói.
Ba chiếc xe tải Hino loại 15 tấn đang xếp hàng trước cơ sở tái chế vỏ xe của ông Giang trên quốc lộ 1A, P.Trung Mỹ Tây, Q.12. Hai người phụ việc nhanh chóng lăn những chiếc vỏ vừa được nhà xe tháo ra vào phía sau nhà. “Phải kín đáo chứ không bị phạt có mà sạt nghiệp” - ông Giang nói. Theo ông này, khách chạy xe tải đa số chọn mua vỏ cũ nên chẳng vỏ nào giống vỏ nào, đều phải đi chỉnh lại cho thông số giống nhau.
Bên trong cơ sở, một người thợ dùng máy mài mòn số 110 trong hàng chữ SRC-110-20RF trên thân vỏ xe. Sau đó anh ta dùng một chiếc khuôn ép nóng vào chỗ vừa mài. Khuôn ép là một đồng hồ đo nhiệt, một tấm sắt có gắn điện trở và được khắc sẵn số, tùy yêu cầu của khách mà dùng các loại khuôn khác nhau như khuôn 9, 10, 11...
Ông này nói: “Phải canh từ 300-320 độ C là được, ép nóng quá sẽ hư vỏ hết”. Sau mười phút, vỏ xe đã mang một thông số hoàn toàn khác: SRC-100-20RF. Để xóa dấu vết những con số mới ép vào, người thợ làm xong lấy sơn đen xịt qua một lớp. Giá “ép số” mỗi chiếc vỏ như thế là 50.000 đồng. “Vỏ đem ép số thì được phép chở thêm được từ 5-9 tấn tùy thông số vỏ. Đã chạy xe hàng, xe khách trọng tải lớn thì xe nào cũng ép số hết” - một tài xế xe tải đường dài khẳng định.
Vỏ ôtô sau khi được xỉa rãnh, ép số phải đem đi đánh bóng, gọi là đánh bass, đánh đen... để nhìn giống vỏ mới nhằm qua mặt cơ quan đăng kiểm. Tại cửa hàng Huy (quốc lộ 1A, huyện Hóc Môn), hàng trăm vỏ xe đủ loại đã được khắc, dán gai... đang nằm chờ được đánh bóng, sơn đen. Ông Mãi, chủ cơ sở này, cho biết những vỏ xe sau khi được chà rửa sạch sẽ, phơi khô sẽ được dùng dầu bóng để đánh cho phần cao su chết bong ra và vỏ xe được quét lớp sơn đen bóng như vỏ mới. Những vết nứt chân chim trên vỏ tân trang sẽ được quét lên một loại keo đen để trám vào. Giá đánh bóng một chiếc vỏ cỡ số 10 là 25.000 đồng, từ cỡ 11 trở lên giá 30.000 đồng.
Tuyệt đối không sử dụng vỏ ôtô khắc, đắp rãnh
Tiến sĩ Nguyễn Hữu Hường, trưởng khoa kỹ thuật giao thông Trường ĐH Bách khoa TP.HCM, cho biết: “Mỗi loại vỏ ôtô khi sản xuất đã được kỹ sư của các công ty thiết kế với một thông số kỹ thuật phù hợp, lớp bố trong vỏ ôtô giúp vỏ chịu được các lực nén, lực ma sát đảm bảo vỏ không bị nổ, bị phù. Phần rãnh, gai cao su có tác dụng tạo độ bám đường cho vỏ. Những loại vỏ xe cũ, mòn nếu đắp lại sẽ không đảm bảo các thông số an toàn như khi xuất xưởng. Một khi vỏ xe đã mòn, trơn được đem khắc rãnh lại không nên tái sử dụng, vì trong quá trình khắc rãnh sẽ làm các sợi bố bên trong lớp vỏ cao su bị đứt, độ chịu lực của vỏ giảm, độ bám, hệ số ma sát không đạt, dễ dẫn đến tai nạn giao thông, rất nguy hiểm khi lưu thông trên đường cao tốc”.
ĐỨC THANH - MINH TRUNG
 



http://tuoitre.vn/Chinh-tri-Xa-hoi/Phong-su-Ky-su/443401/%E2%80%9CTai-che%E2%80%9D-vo-oto.html?page=2