236. Cuộc sống thầm lặng ở Hà Lan

26/6/2011 12:40



Sống với nghệ thuật

SGTT.VN - Tĩnh vật trở thành thể loại riêng từ cuối thế kỷ 16 ở Hà Lan, nơi xảy ra cuộc “cách mạng tư sản” sớm nhất, nơi tầng lớp tư sản thị dân trở thành động lực xây dựng xã hội mới cùng sự giàu có về vật chất và tinh thần ở các đô thị. Tĩnh vật trong tiếng Hà Lan là stilleven – nghĩa là cuộc sống, sự sống lặng lẽ, yên ả. Tiếng Anh dịch khá sát là still life trong khi tiếng Pháp dịch khá ngô nghê bằng từ nature morte – thiên nhiên chết. Tiếng Việt dùng từ tĩnh vật – tuy khiên cưỡng nhưng cũng khá đủ ý: tranh vẽ các vật (không vẽ sinh vật sống) và các vật đó không động đậy!

Tĩnh vật với bình bạc và cua bể.
Trong bức Tĩnh vật với bình bạc và cua bể của W.C. Heda (1594 – 1680), thoát thai từ các chi tiết ẩn dụ trong tranh giáo huấn khắc kỷ: cái sọ người tượng trưng thần chết, nhạc cụ ám chỉ sự u mê, quả thối hoa rữa đồng hồ cát ám chỉ sự ngắn ngủi phù du của kiếp người, tranh lại ngợi ca niềm vui sống bất tận nơi trần thế. Sức sống bình lặng, êm ả mãnh liệt thấm đẫm nơi các đồ vật nhỏ bé, đơn sơ, tầm thường nhất, trong những không gian riêng tư, thầm kín, thân mật nhất. Thời gian hạnh phúc ấy là hàng ngày, là thường nhật chứ không phải dịp đặc biệt hay ngày đặc biệt nào! Hãy quan sát các đồ vật trong tranh này, sự phong phú, vẻ lộng lẫy, ngạo nghễ, dư thừa, được tôn vinh của đồ bạc và phalê, bánh mì, trái cây và rượu, sơn hào và hải vị… để thấy rằng chủ nhân của ngôi nhà đã dựng nên một vương quốc độc lập, hạnh phúc cho riêng mình như thế nào. Và bức tranh cũng lần đầu tiên trở thành một vật tư hữu của thường dân. Chắc chắn nơi lớp trung lưu và nhà giàu mới nổi ở ta cũng đang trào dâng khao khát chiếm hữu và hưởng thụ này như ở Hà Lan khi tranh stilleven xuất hiện.
Nguyễn Quân


Nhìn một góc khác sản phẩm cao su


Học nhìn sản phẩm cao su theo cách khác