225. La Maison en Petits Cubes

24/6/2011 




Đôi khi quên đi những giờ khắc bận rộn với việc sản xuất các sản phẩm cao su, mời xem một đề tài "khác với mình", cũng là một việc cần để tạo sự cân bằng.

Sự cân bằng ở ngay dưới chân mình.
Đăng thêm vào ngày 26/6/2011
Đăng thêm hai  bài viết được tìm thấy trên mạng để chia sẻ cùng các bạn.
1.

Đăng ngày: 12:10 03-06-2009

·          
La Maison en Petits Cubes
Ngôi nhà trên những khối lập phương

Giải Annecy Cristal và Junior Jury tại Hội chợ thương mại quốc tế dành cho
phim hoạt hình của Pháp vào tháng 6-2008, giải Hiroshima và giải do
 khán giả bình chọn tại Liên hoan phim hoạt hình quốc tế Hiroshima,
và giải Oscar 2009 cho Phim hoạt hình ngắn hay nhất.

Tên tiếng Nhật:
つみきのいえ (Tsumiki no Ie)
Tên tiếng Anh: House of Small Cubes
Đạo diễn: Kunio Kato
Kịch bản: Kunio Kato
Âm nhạc: Kenji Kondo
Nhà sản xuất: Robot Communication Inc.
Thời lượng: 12 phút 3 giây
Năm: 2008

Trái đất trong một ngày không xa của tương lai, hiện tượng ấm dần lên
 đã nhấn chìm những toàn nhà cao tầng, xóa xổ những những con đường,
những tán cây to, những thảm cỏ rộng lớn trên mặt đất ... Bốn bề là nước...




Trên tầng cao nhất của 1 ngôi nhà, có một người đàn ông cao tuổi,
sống 1 mình bên cạnh những bức hình của gia đình ông,
chiếc tẩu thuốc, cần câu cá...đến khi nào nước dâng
thì ông lại xây cho ngôi nhà của mình cao lên 1 tầng nữa.



Cuộc sống cứ chầm chậm trôi đi như vậy, cho đến một ngày
ông vô tình làm rơi chiếc tẩu của mình xuống tầng dưới.
Thay vì mua một chiếc tẩu khác, ông quyết định mua một bộ đồ lặn
và xuống mò chiếc tẩu của mình

Chuyến đi tưởng chừng chóng vánh, bỗng chốc trở nên rất dài.

Vừa chạm vào chiếc tẩu, hình ảnh người vợ lần cuối cùng
nhặt chiếc tẩu đưa cho ông từ xa xưa trong quá khứ
bỗng khiến ông giật mình thảng thốt.
Ông lão quyết định đi tiếp xuống những tầng dưới
của ngôi nhà...thấp dần thấp dần...

Tầng này là tầng ông chăm sóc vợ ông bị bệnh nằm trên giường...
xuống tầng cả nhà cùng chụp một bức ảnh chung.
Rồi đến cái tầng mà con gái ông dẫn bạn trai về ra mắt lần đầu...
tầng con gái ông vừa đi học...tầng con gái ông tập đi
 những bước chân đầu tiên...

....Bạn sẽ để ý thấy ngôi nhà giống như một ngọn tháp,
 rộng ở phần đáy và hẹp dần ở phần đỉnh...
mình vẫn chưa hiểu hết dụng ý của chi tiết này !

Xuống đến tầng nhà đầu tiên, ông mở cửa bước ra ngoài...mặt đất ...
 Khoảng đất với cỏ cây hoa lá nơi chứg kiến sự trưởng thành
của ông và vợ ông từng ngày...rồi khi ông nắm lấy bàn tay
của người vợ lần đầu tiên...
Hạnh phúc khi cùng nhau đặt những viên gạch đầu tiên
xây nên ngôi nhà nhỏ. Và bữa ăn đầu tiên, trong ngôi nhà
đầu tiên chỉ của hai người ....

...Bộ phim không lời thoại, cùng với âm nhạc êm ái,
màu sắc nâu vàng bao trùm bộ phim ...
Giống như một thước phim quay ngược chầm chậm chầm chậm...

Chỉ hơn 12 phút phim nhưng đã mang đến một câu truyện cảm động,
giàu tính nhân văn và cả hiện thực ...
Thật xứng đáng với những giải thưởng mà họ đã trao cho bộ phim này...

Hãy xem nó ít nhất 1 lần để có những cảm nhận của riêng mình...
À nếu bạn là người quá nhạy cảm,
thì hãy đảm bảo bên cạnh bạn có cái gì để lau nước mắt nhé ^^!!







2.
La Maison en Petits Cubes [Oscar 2009]


Ngôi nhà trên những khối lập phương
Tên tiếng Nhật: Tsumiki no Ie
Tên tiếng Anh: House of Small Cubes
Đạo diễn: Kunio Kato
Kịch bản: Kunio Kato
Âm nhạc: Kenji Kondo
Nhà sản xuất: Robot Communication Inc.
Thời lượng: 12 phút 3 giây
Năm: 2008
Giải thưởng:
+ Giải Annecy Cristal và Junior Jury tại Hội chợ thương mại quốc tế dành cho phim hoạt hình của Pháp vào tháng 6-2008
+ Giải Hiroshima và giải do khán giả bình chọn tại Liên hoan phim hoạt hình quốc tế Hiroshima
+ Giải Oscar 2009 cho Phim hoạt hình ngắn hay nhất.


House of Small Cubes không là một bộ phim đơn giản. 12 phút 3 giây, giới hạn ngắn ngủi cho tất cả những triết lý về bảo vệ môi trường, về quá khứ, về cuộc sống, về gia đình, về tình yêu… Sự tham lam đó sẽ dễ dàng biến phim thành thứ nồi lẩu triết lý tạp nham nhạt toẹt, nếu tài năng của Kunio Kato không đủ để phối kết khéo léo tất cả các hương vị riêng biệt đó.
So với các bộ phim còn lại trong cùng hạng mục đề cử, House of Small Cubes thể hiện ưu thế quá hiển nhiên. Oktapodi – hài hước vui vẻ dễ thương nhưng quá cũ. Presto – không có gì ấn tượng hơn về kĩ thuật đồ họa. Lavatory Love Story – ý tưởng hay nhưng cách thể hiện bằng nhiều chi tiết hơi cũ và lộ ý, nét vẽ tối giản và màu sắc trắng đen phù hợp với câu chuyện trong sáng, lãng mạn, cảm động của phim. This Way Up – không khí ảm đạm rùng rợn mới lạ và cái ý tưởng độc đáo và thông minh: 1 phim hài về 1 đám ma, so với House of Small Cubes có tính giải trí cao hơn hẳn nhưng chưa đạt được độ sâu và rộng trong thông điệp truyền đạt
House of Small Cubes phát ngôn nỗi buồn u ám của mình không bằng một lời nào, mà bằng sự hòa âm kín đáo của âm thanh, các mảng màu sắc và hình khối


Tông màu chủ đạo vàng nâu sờn cũ , những màu xanh xám của nước biển , những vệt mờ ảo của bọt biển , những nhung nhớ không màu ,vô hình và vô tình tỏa lan. Sự u ám không được diễn đạt bằng gam màu trầm, lạnh theo thủ pháp thông thường, mà bằng những gam màu ấm nóng . Vì thế mà nỗi buồn không ủy mị, nó trở thành một nhân vật vô hình thường trực , có hơi thở, có sự sống, ám ảnh và dai dẳng.
Âm nhạc của House of Small Cubes không thật sự xuất sắc, hay nói khác đi, không muốn tỏ ra xuất sắc. Điều này khác với huyền thoại“Father and Daughter” (Oscar 2001) với bản nhạc bất hủ “Danube Waves” . Kenji Kondo chỉ giúp âm nhạc hoàn thành vai trò làm một background cảm xúc thứ 2, âm thầm và khiêm tốn giúp hình ảnh truyền đạt được hết tính thẩm mĩ và biểu cảm của nó.
Hình khối chủ yếu trong phim cũng chính là các khối lập phương, các mảnh hình vuông nối ghép làm ngôi nhà trở thành khối rubik của kí ứcvới 6 mặt thời gian, mà người đàn ông mãi loay hoay tìm kiếm. Ngôi nhà với cấu trúc nghiêng ngả, mỗi tầng xây lên cứ nhỏ dần nhỏ dần mỗi khi nước biển dâng lên. Như cái sự sống bé nhỏ ngày ngày trốn chạy sự hủy diệt của thời gian, tuổi già, của sự cô độc dâng lên từ mặt biển lặng im, càng ngày càng mệt mỏi, càng ngày càng bất lực.
Hình tượng người đàn ông với những nét vẽ thô to, cử động chậm chạp và nhọc nhằn. Điểm đặc biệt ở đây chính là cách vẽ bàn tay và bàn châ n nhỏ xíu so với cơ thể khổng lồ của nhân vật. Hình tượng này làm tôi liên tưởng đến những tranh trong thơ siêu thực của Trần Dần. Hình ảnh đó biểu lộ một con người chỉ còn lại sự sống cơ học , nhịp sống tuần hoàn buồn tẻ, ù lì. Một sự bất lực đáng sợ khi người ta không thể chạy trốn khỏi nỗi cô độc bằng hai chân mình, không thể bằng hai tay mình níu giữ kí ức mỗi ngày lại mất dần đi.
Đó là hình ảnh người đàn ông khiếm khuyết thời gian . Có thể nhận thấy so với tông màu cũ kĩ chủ đạo, người đàn ông mặc áo đỏ và quần xanh lá cây kéo cao với độ tươi tắn có phần nổi bật. Bằng hai màu xanh đỏ rất trẻ con đó dường như người đàn ông ấy không chịu già đi, không chấp nhận già đi, không chấp nhận được thực tại, càng không muốn hướng tới tương lai, cứ muốn sống mãi trong quá khứ.


Và cái tẩu thuốc cũ chính là cái cớ để người đàn ông ấy lật mở từng khối vuông kí ức của ngôi nhà. Để chạm lòng mình vào những lần đầu tiên xưa cũ, những hơi ấm, cảm giác, nhớ nhung xưa cũ. Chúng ta cũng vậy, thỉnh thoảng giữa vòng xoáy bất tận của cuộc sống, cũng thấy mình cần một cái tẩu thuốc cũ để giả vờ đánh rơi, cũng cần một cái cớ để được ngồi một mình thương nhớ ngày xưa.
Có hai loại thời gian và không gian trong phim:không gian chết và thời gian phi logic .
Những bức ảnh treo trên tường , một khoảnh khắc ngắn ngủi nào đó được lưu giữ, cũng là một loại thời gian đầy tính mất mát. Cách xây dựng không gian hạn hẹp của ngôi nhà giữa không gian mênh mông đại dương hiếm hoi sự sống tạo thành một thứ không gian chết đáng sợ, người ta buộc phải mắc kẹt ở đó đối diện với quá khứ, để cảm nhận chết chóc đến gần từng ngày từng ngày, mà không thể trốn thoát đi đâu được, không thể né tránh được.
Những cảnh phim khi người đàn ông lặn xuống từng tầng ngôi nhà, thời gian trở nên phi logic một cách đầy thuyết phục bằng sự hỗ trợ của màu sắc. Thông thường người ta thường thể hiện những cảnh quay quá khứ bằng tông màu trắng đen. Nhưng ở đây, thời gian hiện tại lại được tô bằng màu xanh xám, và khi kí ức của người đàn ông hiện lên, quá khứ lại được dựng bằng tông màu xanh xám chuyển dần sang tông màu nóng sống động. Sự phá vỡ quy luật này càng làm cho sự trở về, sự ám ảnh của quá khứ trong người đàn ông đó càng mãnh liệt, mãnh liệt đến nỗi biến thời gian hiện tại trở nên phi logic đến thế.


Nếu lắng nghe kĩ, có thể cảm nhận xen lẫn giữa tiếng piano đôi khi có tiếng hót líu lo của những chú chim. Âm thanh đó thỉnh thoảng mới vang lên âm thầm, như những cảnh ngắn có cánh chim bay vội vã trên bầu trời. Đó là những sinh linh sống, tự do cuối cùng và duy nhất, biểu tượng lạc quan duy nhất của bộ phim.
Đặc biệt là chỉ một lần tiếng violin vang lên hoà với piano, không vui, không bi ai, nửa chừng nhớ, nửa chừng quên mà đầy quyến luyến nuối tiếc, khi người đàn ông nhớ lại tiếng cười trong bữa ăn hai người ngày xưa. Để rồi tất cả im bặt ngay sau khi tiếng cụng ly chưa kịp vang lên, đẩy người đàn ông trở về với thực tại, giơ tay níu lấy kí ức chỉ còn là bọt biển.
Tiếng violin ấy chính là điểm nhấn cảm xúc cuối cùng một dấu chấm câu ngập ngừng, không muốn khép lại điều gì, cũng không muốn mở ra điều gì


House of Small Cubes không phải là bộ phim gây bất ngờ và ấn tượng, xem phim phân tâm mãi rồi nên đâm ra khắt khe và dửng dưng trước mọi kiểu phim làm mọi người ngạc nhiên. Cho dù có được giải Oscar thì cũng chưa thay thể được vị trí No.1 của “Tâm trạng khi yêu” trong lòng ta :”>
Nhưng phim làm người ta có thể khóc ngay được, chưa phải là phim có vấn đề . Cảm xúc nghệ thuật khi được đẩy đến cao trào rồi, thì chỉ thăng hoa một lần rồi chết . House of Small Cubes không phải là phim có thể làm người ta khóc, mà là làm người ta không thể khóc được.
Cứ ám ảnh mãi, cứ nặng lòng mãi…


Review của dân ngoại đạo trong một ngày rảnh rỗi không có nước hoa mới và sách mới để viết review, nên lôi phim cũ ra làm review
Xin xem bản gốc tại: