259. Lốp xe từ gỗ tiết kiệm nhiên liệu




Bài viết được gửi đến từ email :  chuotcon8417@yahoo.com

30/6/11 
(VFEJ) - Các nhà nghiên cứu ĐH bang Oregon, Mỹ đã thử nghiệm thành công việc dùng cellulose vi tinh thể, một vật liệu có thể chế tạo từ hầu hết các dạng xơ thực vật để thay thế một phần silic điôxit làm chất độn gia cường trong chế tạo lốp cao su.

Sử dụng cellulose vi tinh thể có thể giúp giảm năng lượng cần thiết để sản xuất lốp, giảm chi phí và chống lại quá trình tích nhiệt tốt hơn. Thí nghiệm ban đầu cho thấy lốp sản xuất theo phương pháp mới có độ bám đường tương đương các loại lốp thông thường trong điều kiện mặt đường ướt và lạnh.Trong điều kiện thời tiết nóng, loại lốp này có hiệu suất sử dụng nhiên liệu cao hơn các loại lốp sản xuất theo phương pháp truyền thống.

Sợi cellulose đã được sử dụng làm vật liệu gia cường trong một số bộ phận của xe ô tô và sản phẩm  cao su nhưng chưa bao giờ được sử dụng để làm lốp xe. Chất độn gia cường phổ biến trong các loại lốp xe hiện nay là carbon đen và silic điôxit. Tuy nhiên, carbon đen được chế tạo từ dầu mỏ, nguyên liệu đang ngày càng đắt đỏ, còn quy trình điều chế silic điôxit thì cần rất nhiều năng lượng. Ngoài ra, cả hai vật liệu này đều có tỷ trọng lớn  và làm giảm hiệu suất sử dụng nhiên liệu của xe.

Trong quá trình tìm kiếm một loại vật liệu tái tạo rẻ tiền, nhẹ và sẵn có, các  nhà nghiên cứu ĐH bang Oregon đã chú ý đến cellulose vi tinh thể, dạng tinh thể cellulose có kích thước một micromet với cấu trúc được sắp xếp chặt chẽ. Dạng vật liệu này được sản xuất bằng quy trình thủy phân axít chi phí thấp sử dụng dạng polymer phổ biến và bền vững nhất trong tự nhiên là cellulose (chiếm 40% tới 50% thành phần gỗ). Nhóm nghiên cứu đã thay thế khoảng 12% silic điôxit trong quy trình sản xuất lốp bằng cellulose vi tinh thể. Theo đánh giá của giới chuyên môn, cải tiến này sẽ dẫn đến một số thay đổi cơ bản trong ngành sản xuất lốp xe, một trong những ngành phụ trợ lớn nhất cho công nghiệp ô tô
Hương Thủy (Theo Science Daily)
Trích từ: http://www.vfej.vn