508. Áp thuế với cao su thiên nhiên : Làm sao khuyến khích xuất khẩu

22.8.2011


Tin tức được trích lại từ trang web của Hiệp Hội Cao su Việt nam : http://www.vra.com.vn


Áp thuế với cao su thiên nhiên
Bi cao su được làm từ cao su thiên nhiên
Theo Dự thảo Thông tư quy định mức thuế suất trong Biểu thuế xuất khẩu đối với một số mặt hàng cao su mới được Bộ Tài chính đưa ra lấy ý kiến thì các mặt hàng cao su thuộc nhóm 4001 và 4002 sẽ tăng từ 3% lên 5%. 
Tuy nhiên, các doanh nghiệp (DN) đưa ra quan ngại về khả năng cạnh tranh của mặt hàng xuất khẩu (XK)này. Thậm chí, theo các chuyên gia trong ngành, với tình hình nhiều biến động hiện nay, chưa nên thu thuế XK cao su thiên nhiên để khuyến khích phát triển diện tích, gia tăng sản lượng.
Bởi lẽ, sau khủng hoảng năm 2008, ngành cao su liên tiếp gặp khó khăn, lãi suất tăng cao, ảnh hưởng không nhỏ đến phát triển của ngành.
Việc áp dụng thuế suất 5% đối với XK cao su tự nhiên ngay trong năm 2011 sẽ làm hạn chế tốc độ đầu tư, phát triển của ngành, ảnh hưởng tới tình hình sản xuất, XK.
Lo ngại Dưới góc độ DN, ông Lê Văn Trí - Phó tổng giám đốc Cty Công nghiệp cao su miền Nam (Casumina) phân tích, chính sách thuế tùy theo chiến lược phát triển và đặc điểm kinh tế của từng nước, thuế xuất khẩu (XK) cao su thiên nhiên được áp dụng khác nhau. Cụ thể như Indonesia, nước có diện tích trồng cao su lớn nhất thế giới và XK đứng hàng thứ 2 thế giới, đang áp dụng thuế suất bằng 0 đối với cao su thiên nhiên XK. 
Với Thái Lan, nước đứng đầu thế giới về XK cao su thiên nhiên, sản lượng 3,25 triệu tấn/năm cũng chỉ áp dụng mức thuế xuất khẩu 1,4 Baht/kg. Từ tháng 10/2010, Thái Lan có tăng thuế XK với mức mới là 2 Baht/kg. Trong đó có quy định rõ, nếu giá dưới 80 Baht/kg tương đương thuế khoảng 2,5%, nếu giá XK từ 80-100 Baht/kg thì mức thuế khoảng 3%, còn nếu giá xuất trên 100 Baht/kg thì thuế khoảng 5%. 

Thế nhưng, theo ông Trí, mục đích tăng thuế của Thái Lan là nhằm tăng Quỹ quốc gia dành cho ngành cao su, bao gồm kinh phí hỗ trợ cho nông dân khi tái canh đồng thời khuyến khích các DN nước ngoài đầu tư chế biến cao su tại Thái Lan. Còn đối với VN, do Chính phủ chủ trương khuyến khích sản xuất, XK nên những năm gần đây, diện tích và sản lượng cao su XK đều tăng mạnh. Hiện, VN là nước sản xuất đứng thứ 5 và XK đứng thứ 4 trên thế giới. Hơn nữa, hiện nay, mủ cao su sơ chế của VN sản xuất ra chủ yếu vẫn là để XK. 

Các nhà máy chế biến cao su trong nước mới chỉ tiêu thụ khoảng 18% sản lượng của cả nước. Do vậy, Bộ NN & PPTNT đề nghị Bộ Tài chính không thu thuế XK đối với các mặt hàng cao su thiên nhiên mã HS 4001 có chứng nhận hợp chuẩn quốc gia vì đây là mặt hàng khuyến khích xuất khẩu. Đại diện cho Hiệp hội Cao su VN (VRA), Tổng thư ký Trần Thị Thúy Hoa cũng cho rằng, dự thảo áp dụng thuế XK đối với cao su thuộc nhóm 4001 và 4002 sẽ tăng từ 0% hiện nay lên 5% của Bộ Tài chính cần được xem xét lại, vì nếu giai đoạn hiện nay áp dụng mức thuế này sẽ khiến DN gặp khó khăn vì nhiều đơn vị đã ký hợp đồng dài hạn.

Cần có lộ trình Không phủ nhận quan điểm của Bộ Tài chính là phải thu thuế XK nhưng theo ông Hồ Ngọc Hà Thi- Phó ban XK Tập đoàn Cao su VN là cần phải xác định xem thu ở thời điểm nào, mức nào là phù hợp, đặc biệt phải có lộ trình rõ ràng. Hiệp hội Cao su VN và Tập đoàn Công nghiệp cao su VN cũng đã có công văn gửi Bộ Tài chính về nội dung dự thảo thuế XK cao su. Công văn phân tích, Bộ Tài chính có thể áp dụng mức thuế suất 5% đối với mặt hàng cao su tổng hợp thuộc nhóm 4002. Và từ năm 2012, có thể áp dụng thuế suất 1% cho cao su thiên nhiên thuộc nhóm 4001.
Đại diện lãnh đạo Bộ NN & PTNT, Thứ trưởng Bùi Bá Bổng cũng có quan điểm rằng, mức thuế này nên áp dụng đối với cao su thiên nhiên mã HS 4001 không có giấy chứng nhận kiểm phẩm từ các phòng kiểm phẩm đạt cấp quốc gia. Việc áp dụng thuế suất 5 % thuế XK đối với cao su không phải là không cần thiết, tuy nhiên, áp dụng như thế nào để khuyến khích ngành phát triển lại không phải dễ. Vì vậy, yêu cầu đặt ra là chúng ta không nên quá vội vàng và cần phải có những lộ trình áp dụng thật cụ thể cho từng chủng loại cao su XK - ông Bổng khẳng định. 
 Mai Thanh