Giá cao su vẫn duy trì ở mức chấp nhận được tuy đã có những phiên điều chỉnh vào thời gian gần đây do ảnh hưởng nợ công châu Âu và thông tin mủ cao su bị trộn tạp chất. Các doanh nghiệp cao su mới cười tươi một chút thì đã phải lo lắng vì những vấn đề khác, đặc biệt là vốn. Đặc thù của ngành này, là anh phải đủ tiền chi ra một gói thật lớn, rồi mới mong thu về nhiều gói còn lớn hơn…
Cơ hội thì có
Theo ông Ker Chung Yang, chuyên gia phân tích đầu tư và thị trường hàng hóa của Công ty Phillip Futures, Singapore, thị trường tiêu thụ 1/3 tổng sản lượng cao su của thế giới là Trung Quốc. Ngành công nghiệp ôtô của nước này dự báo sẽ tăng sản lượng lên 11% so với năm 2010. Điều này sẽ tạo một sức cầu lớn với cao su để chế tạo săm lốp. Chính nhu cầu cao của quốc gia đông dân nhất thế giới này đã giúp cho lượng giao dịch cao su trên thế giới không bị giảm quá sâu.
...
Năm 2011, mặc dù giá cao su tự nhiên đã chững lại do tác động bởi động đất, sóng thần tại Nhật Bản, và gần đây, do nợ khủng hoảng tại châu Âu nên công nghiệp sản xuất lốp ôtô đã giảm đi dẫn đến một số phiên giao dịch cao su điều chỉnh nhưng về cơ bản giá cao su vẫn duy trì ở mức cao.
Tuy nhiên, những người trong cuộc lại có một cái nhìn thận trọng hơn. Bà Trần Thị Thúy Hoa, Tổng Thư ký Hiệp hội Cao su Việt Nam, đánh giá thị trường vẫn đang có những diễn biến khả quan. Kim ngạch xuất có thể đạt mức 3 tỉ USD năm 2011 so với mức 2,4 tỉ USD năm 2010.
“Chính sách tiền tệ thắt chặt, việc tiếp cận nguồn vốn trở lên khó khăn là một trong những lý do khiến các doanh nghiệp ngành cao su vẫn đặt kế hoạch kinh doanh khá thận trọng trong năm nay”, bà Hoa cho biết.
Nhưng đất không là vàng?
Nhiều người cho rằng, sản phẩm của các doanh nghiệp cao su dễ mang đi vay vốn, vì tính thanh khoản cao, dễ quản lý, cụ thể và… có giá. Tuy nhiên, nhìn kỹ mới biết, cao su nguyên liệu, cao su tổng hợp chỉ có theo mùa, và chưa hẳn là chủ yếu nhất của các doanh nghiệp cao su. Đất trồng cao su mới là tài sản lớn nhất đối với họ! Tuy nhiên đất nguyên liệu lại không phải là tài sản đảm bảo (TSĐB) được các ngân hàng ưa chuộng. Rất ít ngân hàng chấp nhận đất trồng cao su là TSĐB vì thanh khoản và giá trị của loại tài sản này không cao.
Trái lại, ngân hàng Techcombank lại mạnh tay chấp nhận đất trồng như TSĐB của doanh nghiệp cùng với nhiều loại hình TSĐB khác như cao su nguyên liệu, hệ thống máy móc, quyền đòi nợ trong tương lai (vay dạng tín chấp, nghĩa là chấp nhận cho doanh nghiệp vay mà không cần TSĐB định hình)… Vốn là một thành viên của Hiệp hội Cao Su Việt Nam từ năm 2007, việc Techcombank đi đầu trong sản phẩm hỗ trợ ngành cao su, tích cực hỗ trợ cho các doanh nghiệp ngành này là điều dễ hiểu. Còn với các ngân hàng khác thì mặc dù sản phẩm tín dụng có, chính sách có, nhưng đến thực tế vẫn là một chặng đường dài.
Vốn có giãn được như cao su?
Các doanh nghiệp kinh doanh và xuất khẩu cao su đang rất cần sự hỗ trợ tích cực về mặt tài chính từ các ngân hàng và các tổ chức tín dụng cho các dịch vụ tài chính như vay vốn, thanh toán quốc tế, thanh toán biên mậu, ngoại hối, sàn giao dịch hàng hóa, tài khoản… vì nếu chỉ sản xuất cao su nguyên liệu, cao su tổng hợp rồi bán qua trung gian thì lãi thực cho các doanh nghiệp không nhiều.
Ngoài ra, ngành cao su Việt Nam đã tham gia các sàn giao dịch hàng hóa quốc tế để chào hàng trực tiếp như: CBOT, CME, NYBOT, LIFFE, TOCOM. Nhưng bản thân các sàn giao dịch quốc tế này cũng cần các nhà trung gian, là các ngân hàng được cấp phép, để điều phối, cấp và bảo chứng nguồn tiền. Techcombank là một trong số ít những ngân hàng có mối quan hệ tốt và lâu dài với các sàn giao dịch trên. Điều này thật sự quý giá vì nó sẽ hỗ trợ các doanh nghiệp trong nước như một người bạn đồng hành nơi đất khách.
Thế mới biết thị trường cao su Việt cần lắm những ngân hàng hiểu ngành và có các chính sách hỗ trợ phù hợp. Cho đến khi nào vốn vay cũng co giãn linh hoạt mà bền chắc được như cao su, trở thành yếu tố nền tảng cho các doanh nghiệp vững vàng trên trường quốc tế, chừng ấy, ngành cao su Việt mới có chỗ đứng vững chắc và thực sự phát triển bền vững.(Mai Thụy)
T.T.D.V