(VEN) - Chưa bao giờ ngành cao su có được lợi thế như thời gian qua; cùng với sản lượng tăng thì giá xuất khẩu cũng tăng rất cao giúp cho kim ngạch xuất khẩu của ngành tăng khá nhanh. Tuy nhiên, với một ngành hàng mà 85% sản lượng dành cho xuất khẩu và phụ thuộc nhiều vào thị trường Trung Quốc thì rủi ro vẫn luôn rình rập.
Cơ hội vàng
Trong những năm qua, mức tăng trưởng xuất khẩu của cao su Việt Nam luôn rất cao, giai đoạn 2005-2010 bình quân hơn 50%/năm, chủ yếu do giá cao su tăng nhanh và giữ ở mức cao, tuy lượng xuất khẩu tăng không nhiều, bình quân chỉ 12%/năm. Năm 2010, nhờ tăng sản lượng và nhờ giá cao, Việt Nam đã có mức kim ngạch và khối lượng xuất khẩu cao su thiên nhiên lớn nhất so với trước đây, đạt 2,388 tỷ USD với lượng xuất khẩu là 782.200 tấn, tăng 94,7% về giá trị và tăng 6,9% về lượng. Mức giá bình quân năm 2010 là 3.053 USD/tấn, tăng 82% so với năm trước. Những tháng đầu năm 2011, giá cao su tiếp tục tăng so với năm 2010. Đơn giá bình quân trong 8 tháng đầu năm khoảng 4.315 USD/tấn, đó là thuận lợi lớn cho ngành cao su tăng nhanh xuất khẩu cả về lượng và giá trị kim ngạch.
Theo số liệu thống kê, lượng cao su xuất khẩu 8 tháng đầu năm 2011 đạt 449.000 tấn với giá trị 1,9 tỷ USD, tăng 4,1% về lượng và 64,9% về giá trị so với cùng kỳ năm trước. Riêng tháng 8/2011, cao su thiên nhiên xuất khẩu ước đạt 85 nghìn tấn, trị giá 356 triệu USD, đơn giá bình quân khoảng 4.190 USD/tấn, tăng 6,2% về lượng nhưng chỉ tăng 4,6% về trị giá so với tháng 7/2011 do đơn giá giảm khoảng 1,5%.
Hiệp hội Cao su Việt Nam dự báo, lượng cao su xuất khẩu năm 2011 sẽ tăng từ 3-4% do sản lượng tăng. Kim ngạch xuất khẩu cao su năm nay sẽ đạt trên 3 tỷ USD. Cuối năm, giá cao su xuất khẩu có xu hướng giảm, nhưng vẫn đảm bảo ở mức trên 4.000 USD/tấn.
Diễn biến có lợi của thị trường cao su thế giới là niềm tin cho ngành cao su tăng diện tích và sản lượng. Diện tích cao su đã tăng từ 522.200ha năm 2005 lên 740.000ha năm 2010 (bình quân tăng 7,5%/năm) và đã được quy hoạch tiếp tục phát triển đến 800.000 ha vào năm 2015 hoặc năm 2020. Các nhà khoa học cũng đưa ra những giải pháp để phát triển cây cao su một cách hiệu quả để có thể cho sản lượng 1,1 triệu tấn vào năm 2015 và 1,2-1,4 triệu tấn năm 2020. Theo các chuyên gia, Việt Nam rất có tiềm năng để phát triển ngành cao su hơn nữa.
Rủi ro vẫn khôn lường
Mặc dù dự báo rất khả quan song các chuyên gia lại rất quan ngại về sự phát triển bền vững của ngành cao su Việt Nam.
Gần đây, dù giá cao su đã tăng cao nhưng Việt Nam vẫn phải chịu giá xuất khẩu thấp so với các đối thủ cạnh tranh. Theo các chuyên gia thì bên cạnh việc thiếu đa dạng hóa sản phẩm, cao su của Việt Nam hầu như không có thương hiệu trên thị trường. Cũng như nhiều mặt hàng nông sản khác, cao su Việt Nam vẫn chủ yếu xuất thô vì ngành công nghiệp chế biến sản phẩm của Việt Nam chưa phát triển, nguồn nhân lực trình độ cao còn thiếu, trang thiết bị và vốn đầu tư còn hạn chế. Hơn nữa, lâu nay, xuất khẩu cao su của Việt Nam còn phụ thuộc quá nhiều vào thị trường Trung Quốc cả về sản lượng xuất khẩu lẫn giá bán. Thị trường Trung Quốc vẫn chiếm 60-65% sản lượng xuất khẩu cao su của Việt Nam mà phần lớn là xuất tiểu ngạch. Mặc dù vài năm gần đây các doanh nghiệp xuất khẩu cao su đã có nhiều cố gắng chuyển sang xuất khẩu chính ngạch, nhưng số lượng tăng chưa đáng kể do chính sách áp thuế mà thương nhân Trung Quốc phải chịu lên tới 25% (tiểu ngạch 0%) và phương thức mua bán biên mậu vẫn khá đơn giản, nhanh gọn nên được người mua, người bán lựa chọn. Bên cạnh đó, việc thanh toán biên mậu bằng hình thức mở tài khoản vãng lai tại ngân hàng Trung Quốc của một số thương nhân xuất khẩu cao su trong thời gian vừa qua đã phải gánh chịu nhiều rủi ro và thiệt hại lớn. Năm 2010, nhiều doanh nghiệp xuất khẩu cao su biên mậu của Việt Nam đã rơi vào tình trạng “trắng tay” khi bị ngân hàng Trung Quốc phong toả tài khoản.
Với công cụ chính sách khôn khéo, phía Trung Quốc hoàn toàn có thể chủ động mua hàng từ Việt Nam khi giá thấp, khi cần có thể hạn chế lượng mặt hàng nhập khẩu vốn là thế mạnh của Việt Nam, điều chỉnh được giá bán của chính doanh nghiệp Việt Nam; từ đó có lợi thế ép giá hàng xuất khẩu của Việt Nam. Vì Trung Quốc chỉ áp dụng các chính sách này với hàng nhập khẩu tiểu ngạch của Việt Nam nên không vi phạm các quy định của WTO. Từ đầu tháng 7/2011 đến nay, Trung Quốc đã tăng cường các biện pháp kiểm soát hoạt động nhập khẩu cao su biên mậu. Chính sách kiểm soát nhập khẩu ngay lập tức tác động đến giá mủ cao su, giá mủ đã giảm từ 31.500 CNY từ giữa tháng 8 xuống còn dưới 29.000 CNY vào tuần đầu tháng 9 này. Đây đang là thời điểm khó khăn đối với các doanh nghiệp.
Để giảm thiểu rủi ro, theo các chuyên gia, trước hết, các nông hộ cần chú ý đến cơ cấu giống cho năng suất cao, thời gian thu hoạch ngắn lại để thu hồi vốn sớm; chăm sóc tốt để cao su cho mủ lâu dài và đạt chất lượng; đảm bảo vùng nguyên liệu cho các nhà máy chế biến. Các nhà máy cần hoàn thiện hệ thống chế biến, quản lý chất lượng cao su thiên nhiên sơ chế; các lô hàng sản xuất phải đính kèm giấy chứng nhận kiểm phẩm; sản xuất các chủng loại theo yêu cầu của thị trường… Trong dài hạn, cần phát triển công nghiệp chế biến sản phẩm cao su, nhất là đổi mới công nghệ thu hút đầu tư nước ngoài để tiếp cận công nghệ hiện đại. Tương lai cần định hướng tăng xuất khẩu chính ngạch để giảm thiểu rủi ro và chủ động hơn; hỗ trợ xúc tiến thương mại để mở rộng thị trường, hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng thương hiệu; thành lập quỹ bình ổn giá cao su để hỗ trợ cho người sản xuất khi thị trường bất lợi, hướng đến xây dựng thương hiệu cho cao su Việt Nam./.
|