Tạp chí Cao su Việt Nam: Ứng dụng khí hóa trấu sấy mủ cao su

21/10/2011

Ứng dụng công nghệ khí hóa trấu trong sấy mủ cao su

Hiện nay, một số nhà máy chế biến cao su sử dụng khí gas hóa lỏng LPG (Liquefied Petroleum Gas) hoặc dầu Diesel (dầu D.O) trong lò sấy cao su. Bên cạnh những ưu điểm nổi bật về vấn đề an toàn sử dụng, môi trường sạch, hiệu quả về kinh tế… thì những ứng dụng này đều có những nhược điểm nhất định. Tại hội thảo “Công nghệ khí hóa và ứng dụng” do Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển về năng lượng tiết kiệm (ENERREAM) tổ chức vừa qua, đã giới thiệu việc ứng dụng công nghệ khí hóa trấu trong sấy mủ cao su.

Nhiều bất cập trong việc sử dụng khí gas

Gần đây, một số nhà máy chế biến cao su đã sử dụng gas thay dầu D.O trong chế biến mủ cao su. Việc sử dụng gas thay dầu có những ưu điểm như: Môi trường nơi nhà máy hoạt động rất tốt, dùng gas cho màu mủ đẹp hơn và được khách hàng ưa chuộng. Bởi dùng dầu lâu ngày bụi bám vào buồng đốt một lớp dày, trong khi lưu lượng gió trong lò sấy hoạt động mạnh sẽ tác động lên lớp bụi dầu làm bay vào mủ ảnh hưởng đến chất lượng. Ngoài ra giá thành sản phẩm thấp hơn do sử dụng gas tiết kiệm được chi phí.

Khi chuyển sang sử dụng gas thay dầu, về cơ bản nguyên tắc hoạt động toàn bộ hệ thống cũ không có sự thay đổi lớn, chỉ cần thay đầu đốt bằng dầu dùng cho gas, cùng hệ thống ống, van truyền dẫn gas là nhà máy có thể hoạt động được.

Tuy nhiên, lò sấy sử dụng gas phải được bảo trì thường xuyên và điều chỉnh đúng cách, nếu không sẽ tạo bụi than trong buồng đốt. Thực tế sử dụng cho thấy, đối với lò sấy cao su sử dụng gas, việc điều chỉnh tăng giảm nhiệt độ rất khó khăn, phải mất nhiều thời gian, không đáp ứng được tức thời theo nhiệt độ yêu cầu của quá trình sấy, đây là nhược điểm rất lớn của hệ thống dùng gas. Trong khi đó, sử dụng đầu đốt bằng dầu việc tăng giảm nhiệt độ rất dễ dàng và đáp ứng nhiệt độ sấy chỉ trong vài phút. Ngoài ra, việc điều chỉnh nhiệt độ khi sử dụng gas phải cần kỹ thuật viên chuyên môn túc trực thường xuyên. Nếu muốn điều chỉnh tăng giảm nhiệt độ sấy thường xuyên (đối với mủ SVR 3L, 5, CV, 10, 20 phải điều chỉnh nhiệt độ phù hợp) thì phải lắp đặt thiết bị điều khiển nhiệt độ phù hợp để thích ứng với việc thay đổi nhiệt độ tăng giảm.

Lò sấy cao su mà các công ty đang sử dụng để sấy cao su cốm được thiết kế với kết cấu khung lò và buồng đốt phù hợp cho đầu đốt sử dụng dầu diesel, việc đơn thuần chỉ thay thế đầu đốt gas mà không cải tạo thiết kế lại buồng đốt của lò sấy sẽ dễ gây hỏa hoạn.

Ứng dụng công nghệ khí hóa trấu

Việc ứng dụng công nghệ khí hóa trong quá trình sấy cao su hạn chế được những nhược điểm trên của khí gas, giúp tiết kiệm chi phí nhiên liệu, tiết kiệm năng lượng trong sản xuất, an toàn và dễ sử dụng.

Ở Việt Nam, việc đun nấu và các sinh hoạt khác của người dân chủ yếu sử dụng phụ phẩm nông nghiệp như rơm rạ, tro trấu, củi than...Nguồn phế thải - phụ phẩm nông nghiệp (cả sau thu hoạch lẫn sau chế biến) như rơm rạ, trấu, vỏ cà phê, xơ dừa, bã mía...ước tính hơn 30 triệu tấn/năm, tương đương với hơn 20 triệu tấn than hoặc hơn 10 triệu tấn dầu.

Hiện nay, nhu cầu sử dụng năng lượng để làm khô, bảo quản và chế biến nông sản đang ngày càng tăng. Do đó, khai thác tiềm năng về năng lượng tái tạo từ nguồn phụ phẩm nông nghiệp phong phú là hướng đi và việc làm mang tính chiến lược, có ý nghĩa kinh tế - xã hội và bảo vệ môi trường.

Thực tế cho thấy, trấu là nguồn nhiên liệu và nguyên liệu được sử dụng rộng rãi, đa dạng. Tuy nhiên, cho đến nay, nguồn năng lượng từ trấu vẫn chưa được khai thác triệt để và hiệu quả sử dụng còn thấp, trong khi nhu cầu nhiên liệu cho việc sấy, bảo quản nông sản lại lớn, nhất là các vùng sản xuất nông sản hàng hóa. Trước tình hình đó, nhiều kiểu lò đốt trấu đã ra đời và ứng dụng trong sản xuất.

Kết quả thử nghiệm cho thấy, ngọn lửa gas trấu cháy tốt, ổn định, gas cháy hoàn toàn, không có khói và bụi. Bên cạnh đó, dễ điều chỉnh nhiệt độ tùy theo quy trình công nghệ sấy, chi phí nhiên liệu thấp. Ngoài trấu, nguồn sinh khối từ phế phẩm gỗ (mùn cưa), nông sản (rơm rạ), phân gia súc, rác... tại nước ta rất lớn chưa được sử dụng hiệu quả, dẫn đến việc lãng phí nhiên liệu, gây ô nhiễm môi trường. Nếu ứng dụng công nghệ khí hóa vào sản xuất thì sẽ tiết kiệm nhiên liệu, hiệu quả năng lượng cao hơn; cải thiện chất lượng sản phẩm, môi trường.

Minh Tâm.
Bản tin được trích từ: http://caosuvietnam.net