Ánh sáng trực diện không phải là nguồn sáng hoàn hảo
trong hầu hết các tình huống còn ánh sáng hậu là nguồn sáng khá ấn
tượng, nhưng khó sử dụng.
Dưới đây là một vài khái niệm cũng như cách dùng các
hướng sáng khác nhau để thể hiện ý đồ chụp từ sách Nhiếp ảnh cho mọi
người (Digital Photography Exposure For Dummies) của tác giả Jim Doty.
Ánh sáng trực diện
Ánh sáng trực diện. Ảnh |
Nguồn ánh sáng trực diện phát sáng ở cùng phía với người chụp, ví dụ chụp với mặt trời ở sau lưng hay chụp với đèn flash.
Đặc tính của nó là:
- Phẳng.
- Không tạo tương phản cho đối tượng.
- Thể hiện màu sắc và hình dạng tốt (trừ phi là hình khối 3 chiều).
- Phù hợp với các tông màu đa dạng của đối tượng.
- Thường làm giảm các chi tiết bề mặt.
- Có thể khiến đối tượng hai chiều hóa hay bị "bẹt".
- Có thể khiến ảnh nhàm chán, trừ phi đối tượng có tông màu rất đa dạng.
Ánh sáng trực diện mặc dù không hẳn là nguồn sáng hoàn
hảo trong hầu hết các tình huống, nhưng nếu điều chỉnh cường độ tốt,
ánh sáng này có thể tôn da, giảm thiểu tối đa bề mặt sần của da người
(lý do khi chụp ảnh chân dung luôn có đèn phả từ phía trước).
Nếu chụp ngoài trời, nên tránh chụp ảnh chân dung khi
ánh mặt trời chiếu trực tiếp lên mặt. Mặc dù đây cũng là dạng ánh sáng
trực diện, nhưng ánh mặt trời thường quá mạnh dễ dẫn tới cháy sáng.
Mặc dù phần lớn mọi người đều chụp ảnh với ánh sáng
trực diện, nhưng nếu muốn trở thành nhiếp ảnh gia tốt, hãy học cách nắm
bắt đối tượng và thể hiện chủ thể với ánh sáng hậu và ánh sáng bên nhiều
hơn.
Ánh sáng bên
Ánh mặt trời hay nguồn phát sáng ở một bên chỉ làm
sáng một nửa, nửa còn lại tối, nhưng sự hòa hợp giữa vùng sáng và vùng
tối lại làm tăng độ tương phản của đối tượng.
Đặc tính của ánh sáng bên gồm:
- Tạo ấn tượng tốt.
- Có thể tạo bóng đổ lớn khi mặt trời xuống thấp.
- Có thể tạo không gian ba chiều cho đối tượng.
- Thể hiện chi tiết bề mặt tốt.
- Có thể ảnh hưởng đến chất lượng màu.
- Khó đo sáng hơn.
Ánh sáng bên rất được các nhiếp ảnh gia phong cảnh ưa chuộng, nhất là ánh sáng dịu khi mặt trời bắt đầu lặn.
Mặc dù một số vật khi chụp với ánh sáng bên có thể bị
giảm màu sắc nhưng bù lại phần tương phản giữa vùng sáng và vùng tối sẽ
làm nổi bật nó theo phong cách khác.
Ánh sáng hậu
Ánh sáng hậu phát sáng ở phía sau lưng đối tượng. Mặc
dù là một nguồn sáng khá ấn tượng, nhưng nó thuộc loại khó sử dụng. Khi
đã làm quen thì một bức ảnh chụp với ánh sáng hậu đúng đắn sẽ có giá trị
hoàn toàn xứng đáng với công sức bỏ ra.
Dưới đây là những đặc tính của ánh sáng hậu:
- Tạo độ tương phản lớn.
- Giảm đáng kể màu sắc.
- Tập trung mạnh vào hình khối (hữu ích nếu người chụp thích hình khối hơn màu sắc).
- Có thể tạo thành viền sáng quanh đối tượng.
- Có thể tạo cách nhìn mới với cùng một đối tượng bởi hầu hết mọi người đều sử dụng ánh sáng trực diện.
- Thường dùng để tạo ảnh silhouette.
- Làm vùng tối trở nên tối hơn.
- Đo sáng khó nhất.
Ánh sáng đỉnh
Ánh sáng đỉnh được chiếu từ trên xuống, tương tự chụp ảnh giữa trưa mặt trời đứng bóng hay chụp trong nhà với đèn trần.
Đặc tính của ánh sáng đỉnh gồm:
- Làm nổi bật phần đỉnh của đối tượng.
- Làm vùng bóng bên dưới đối tượng sẫm hơn.
- Tối dần theo chiều dọc.
- Tạo vùng tối trên mặt.
- Khó đo tương phản.
Ánh sáng đỉnh nếu không đủ phủ lên đối tượng sẽ không
thể hiện được đúng đặc tính của mình. Ánh sáng này không được nhiều
người dùng, nhất là trong chụp chân dung, bởi nó sẽ tạo bóng dưới mắt.
Nếu cần phải chụp với nguồn sáng này, tốt nhất nên kết hợp với ánh sáng
bù để xóa bóng đổ do ánh sáng đỉnh tạo nên.
Nguyễn Hà