Tránh tâm lý 'ngợp' khi mới dùng DSLR

18/10/2011 ---Tránh tâm lý 'ngợp' khi mới dùng DSLRKhi chuyển sang DSLR với một "mớ" tùy chỉnh phức tạp, nếu biết chuẩn bị tinh thần, những người mới cầm máy sẽ tránh được tâm lý bị "ngợp".
Những người mới dùng DSLR mà chụp ảnh vẫn xấu, hãy coi đó là một quá trình học hỏi tự nhiên.

Dưới đây là một số gợi ý của trang web Digital Photography School để cải thiện tâm lý cho những người mới cầm máy ảnh số ống kính rời. 

1. Ảnh của tôi quá tồi
Ai cũng phải trải qua thời kỳ cầm máy DSLR mà không biết làm gì với mới hỗn độn các tùy chỉnh phức tạp. Trong quá trình thử nghiệm sẽ có không ít lần bạn thấy bức ảnh mình chụp thật tệ hại. Tuy nhiên, mỗi lần chụp, bạn sẽ học thêm được một điều mới. Đừng đau khổ vì mình đã có DSLR rồi mà chụp ảnh vẫn xấu.
2. Đồ nghề của tôi không đủ xịn





Đừng đau khổ vì mình đã có DSLR rồi mà chụp ảnh rất xấu. Ảnh: Digital Photography School.


Không cứ đồ nghề xịn mới có bức ảnh đẹp. Nếu bạn không biết khai thác tất cả tiềm năng của một máy ảnh hay ống kính, thì đồ có xịn nhất cũng sẽ không mang lại cho bạn bức ảnh đẹp nhất. Nên nhớ, bất kỳ một máy ảnh tầm thường nào, kể cả máy du lịch ngắm là chụp, cũng đều có thể cho ra những bức ảnh ấn tượng. 

3. Tôi toàn chỉnh sai thông số 
Nhiều người mới chụp hay cảm thấy bất lực vì họ không hiểu các tùy chỉnh phơi sáng tay hoạt động thế nào và không sao hiểu cách thức phối hợp chúng sao cho hiệu quả. Nhưng đừng vì thế mà nản lòng. Nếu chưa hiểu hết, hãy cứ chọn chế độ tự động để khởi đầu. Sau đó, bạn sẽ chuyển dần sang các chế độ ưu tiên (cửa trập hoặc độ mở) để làm quen rồi mới tiến đến chế độ chỉnh tay hoàn toàn (Manual) khi đã hiểu hết tính năng. 
Đừng nghĩ cứ cầm DSLR là sẽ bỏ qua chế độ Auto để cho "chuyên nghiệp". Trước tiên, hãy tìm cách nắm vững tất cả những chế độ tự động mặc định để hiểu cách máy ảnh xử lý vấn đề thế nào. Sau đó mới chuyển dần sang can thiệp chỉnh tay từng bước một. Một lợi thế vô cùng lớn của thời đại số là ảnh chụp xấu có thể xóa ngay đi để chụp ảnh khác, không phải chụp tới hàng trăm cuộn phim để so sánh. Hãy tâm niệm một điều, ảnh đẹp mới là quan trọng, các thiết lập thông số chỉ là phụ trợ để làm nên một bức ảnh đẹp.


 

 Hãy học hỏi từ những bức ảnh của những người chuyên nghiệp. Ảnh: DigitalPhotographySchool. 
 
4. Tôi không thể chụp ảnh như chuyên nghiệp 
Nhiếp ảnh gia chuyên nghiệp cũng khởi đầu từ những bước đầu tiên. Ai cũng có khởi đầu của riêng mình. Hãy học hỏi từ những bức ảnh của những người chuyên nghiệp, xem cách họ nhìn nhận và giải quyết vấn đề, đồng thời có thể lấy những tác phẩm đẹp của họ làm cảm hứng cho những bài tập và thực hành cho mình. 

5. Tôi không đủ tiền mua phần mềm xử lý ảnh chuyên nghiệp 
Đối với những nước có bản quyền, việc sở hữu phần mềm chuyên nghiệp Photoshop không phải ai cũng với tới được. Tuy nhiên, không chỉ có Photoshop mà còn rất nhiều phần mềm khá chuyên nghiệp mà lại miễn phí nữa, giúp bạn làm quen dần với từng khái niệm chỉnh ảnh (như iPhoto, Picasa, Picnik…). 
Sau khi đã nắm dần các khái niệm, bạn có thể đầu tư dần từ những phiên bản Adobe rẻ tiền hơn, như Photoshop Elements. Lightroom cũng là một bước đệm hợp lý trước khi quyết định chuyển sang Photoshop vốn quá cồng kềnh và phức tạp. 
Một khi đã biết những tâm lý dễ bị tác động của người mới làm quen với DSLR, bạn sẽ có một sự chuẩn bị sẵn sàng để vượt qua những suy nghĩ tiêu cực ban đầu. Đừng vội từ bỏ, hãy cứ chụp và chụp, tay nghề sẽ lên dần theo mỗi bức ảnh.

Nguyễn Hà | sohoa
Nguồn: