Thông Tin THỊ TRƯỜNG CAO SU: Bản tin cao su tự nhiên tuần 08/11 – 12/11 2011

14/11/2011



TỔNG QUAN THỊ TRƯỜNG TRONG TUẦN
RSS3 giao tháng 12 sàn Tocom ngày 11/11/2011 giảm 13,34% so với cuối tuần trước, sàn SGX (Singapore) giảm 11,64%, SMRCV giao ngay sàn Malaysia giảm 10,92%, SCR10 trên sàn Thượng Hải giảm 11,93%. Giá cao su tuần này tiếp tục giảm vẫn do thông tin tiêu cực từ các thị trường tiêu thụ và tăng sản lượng từ các nước xuất khẩu.Thông tin tiêu cực như nợ công Nhật Bản vượt 1 triệu tỷ yên (13,5 nghìn tỷ USD). Thặng dư thương mại Trung Quốc trong 10 tháng đầu năm 2011 giảm 15% so với cùng kỳ năm 2010 và dự báo thặng dư cả năm sẽ giảm nhiều hơn. Các công ty sản xuất ô tô của Nhật giảm sản lượng do lũ lụt Thái Lan ảnh hưởng đến nhà máy sản xuất linh kiện. Đức và Pháp họp bàn về vấn đề thu nhỏ eurozone. Hy Lạp bất đồng nội bộ trong việc tìm thủ tướng mới. Doanh số bán ô tô của Trung Quốc, Ấn Độ giảm. Số đơn đặt hàng tháng 9 của Nhật, một chỉ tiêu phản ánh chi tiêu vốn trong tương lai, đã giảm 8,2% trong tháng 9 so với tháng 8
Tuy nhiên vẫn có các thông tin tích cực trong tuần. Thặng dư tài khoản vãng lai của Nhật tháng 10 tăng gấp 3 lần tháng 9. Lạm phát giá sản xuất Trung Quốc tháng 10 giảm 5% so với cùng kỳ 2010. Giá dầu thô ngọt nhẹ (WTI) trên sàn Nymex cuối tuần này tăng 5,3% so với cuối tuần trước.
Bản tin cao su tự nhiên tuần 08/11   12/11 2011
Giá dầu thô ngọt nhẹ trên sàn Nymex từ 11/10/2011 đến 11/11/2011
NƯỚC NGOÀI
Nhập khẩu cao su tự nhiên tháng 10 Trung Quốc đạt 220 nghìn tấn, giảm 8,3% so với tháng trước nhưng tăng 38% so với cùng kỳ năm 2010. Lũy kế 10 tháng đạt 1,6  triệu tấn, tăng 11%.
Lượng tồn kho cao su cung cấp cho sàn Thượng Hải  từ ngày 28/10 đến 4/11 giảm 2%.
Mùa mưa ở các nước sản xuất cao su chính sẽ không làm gián đoạn nguồn cung do có 180 nghìn tấn cao su tồn kho tại Thanh Đảo, Trung Quốc.
Doanh số bán xe khách và xe thương mại tháng 10 của Trung Quốc đạt 1,52 triệu xe, giảm 1,1% so với tháng 9. Ngoài ra, doanh số bán xe vận tải cỡ nhỏ giảm 18% xuống còn 171.700 chiếc.Doanh số bán phương tiện giao thông (bao gồm xe tải và xe máy) tháng 10 của Ấn Độ đạt 1,44 triệu chiếc, giảm 1,1% so với cùng kỳ năm 2010, mức giảm đầu tiên từ tháng 1 năm 2009.
Giá cao su tự nhiên Ấn Độ giảm do kinh tế tăng truởng chậm, doanh số bán ô tô giảm và chi phí lãi suất, nhiên liệu tăng.
Sản lượng cao su tự nhiên Ấn Độ tháng 10 đạt 89,3 nghìn tấn, tăng 8,4% so với cùng kỳ năm 2010, tuy nhiên, tiêu thụ đạt 76 nghìn tấn, giảm 6,3%. Lũy kế từ tháng 4 đến tháng 10 năm tài chính 2011-2012, xuất khẩu đạt gần 20 nghìn tấn tăng hơn 4 lần so với cùng kỳ, nhập khẩu đạt 95,91 nghìn tấn, giảm  30,5%.
Tồn kho cao su thô của Nhật Bản từ 10/10 đến 20/10 đạt 13,574 nghìn tấn, tăng 2,9%, cao nhất trong 4 năm.
Lũ lụt Thái Lan đã làm gián đoạn nguồn cung lớn nhất cho ngành công nghiệp ô tô kể từ động đất Nhật Bản tháng 3/2011. Nhu cầu cao su thấp hơn do các nhà sản xuất ô tô Nhật Bản cắt giảm sản lượng.
Xuất khẩu cao su Malaysia năm 2011 dự báo tăng 30% so với năm 2010. Malaysia có kế hoạch trồng lại 3,92% diện tích cao su mỗi năm, theo Hiệp hội cao su Malaysia.
Cơ quan phát triển cao su nông hộ nhỏ (Risda) Malaysia cần 30 triệu cây cao su giống cho dự án trồng lại trên 41 nghìn ha đất (3,9% tổng diện tích) trong phạm vi quốc gia vào năm 2012.
ARNPC khuyến khích các chính phủ trồng lại cao su với lượng lớn thông qua việc tăng các khoản trợ cấp, giảm cường độ khai thác nhằm hạ thấp chi phí mà không ảnh hưởng tới sản lượng.
Thái Lan, Indonesia và Malaysia sẽ áp đặt các biện pháp để ngăn chặn cao su giảm giá với nguyên tắc cung – cầu không thay đổi.
Campuchia cắt giảm xuất khẩu cao su do giá giảm mạnh, lũ lụt ở Thái Lan và lo ngại khủng hoảng kinh tế châu Âu.
Bản tin cao su tự nhiên tuần 08/11   12/11 2011
Biến động giá cổ phiếu công ty cao su tự nhiên từ 11/10/2011 đến 11/11/2011
TIN TRONG NƯỚC
Ngành công nghiệp cao su Việt Nam dự kiến đạt sản lượng 1,2 triệu tấn vào năm 2020.
Doanh nghiệp và thương gia Trung Quốc phải chuyển sang giao dịch hệ chính ngạch khi nhập khẩu cao su thiên nhiên từ Việt Nam khiến vài nghìn tấn cao su đang ách tắc tại cửa khẩu Móng Cái.
CTCP cao su Đồng Phú (DPR) báo cáo kết quả sản xuất kinh doanh tháng 10 năm 2011. Sản lượng cao su chế biến đạt 2.195 tấn, tiêu thụ trong tháng 10 đạt 1.778,7 tấn. Tổng doanh thu đạt hơn 184,87 tỷ đồng, giảm 9% so với tháng 9. Lợi nhuận đạt gần 53 tỷ đồng, tăng 9%. Lũy kế 10 tháng, doanh thu đạt hơn 1.587 tỷ đồng, vượt 20% kế hoạch năm. Lợi nhuận đạt hơn 610 tỷ đồng, vượt 38% kế hoạch.
CTCP Cao su Tây Ninh (TRC) công bố báo cáo kết quả sản xuất kinh doanh tháng 10 năm 2011. Sản lượng tiêu thụ đạt 1.184,4 tấn, bằng 73,8% kế hoạch năm. Sản xuất đạt 1.210,17 tấn, đạt 75% kế hoạch. Tổng lợi nhuận tháng 10 đạt 57,5 tỷ đồng, vượt kế hoạch 35%.
CTCP Cao su Hòa Bình (HRC) công bố báo cáo kết quả sản xuất kinh doanh 10 tháng năm 2011. Lũy kế 10 tháng, chế biến đạt 5.444,166 tấn; tiêu thụ được 5.496.656 tấn, doanh thu cao su đạt 546,3 tỷ đồng. Thu mua cao su tiểu điền 10 tháng đạt 3.570,68 tấn, hoàn thành 357% kế hoạch; lợi nhuận trước thuế 10 tháng 121,91 tỷ đồng.

CON SỐ CỦA TUẦN
38% là lượng tăng cao su nhập khẩu tháng 10 Trung Quốc so với cùng kỳ.
30% là dự báo tăng sản lượng xuất khẩu cao su của Malaysia 2011.
Nguồn: GAFIN Data & Research
Bản tin được trích từ: http://thitruongcaosu.net/