30/12/2011
Nổi tiếng với bức ảnh Cô gái với cành hoa(1967), biểu tượng của phong trào phản chiến Mỹ, Marc Riboud (sinh năm 1923) là nhiếp ảnh gia lừng danh trong hậu bán thế kỷ 20 hiện vẫn đang sáng tác. Từ ngày 03/03 đến 26/07/2009, Viện bảo tàng Musée de la Vie romantique ở Paris giới thiệu 50 năm sự nghiệp của ông qua một cuộc triển lãm tập hợp 110 bức ảnh với nhiều tác phẩm chưa từng được công bố.
Nói đến Marc Riboud, hình ảnh nổi bật hiện lên trong tâm trí người nghe là cảnh một cô gái tay cầm một đoá hoa như muốn trao cho một hàng người lĩnh Mỹ đang giương cao súng gắn lưỡi lê đứng trước mặt cô. Mang tên ''Cô gái với cành hoa'' (La jeune fille à la fleur), bức ảnh do Marc Riboud chụp ngày 21/10/1967 nhân một cuộc biểu tình tại thủ đô Hoa Kỳ Washington DC, đã đi vòng quanh thế giới và trở thành một biểu tượng của phong trào phản chiến, chống lại cuộc chiến tranh Việt Nam vào thời đó.
Cô gái với cành hoa. Washington 1967 - Ảnh : © Marc Riboud)
Bức ảnh này, hay nói đúng hơn là phiên bản chưa từng được công bố của bức ảnh này, lẽ dĩ nhiên đã được giới thiệu với công chúng nhân cuộc triển lãm đánh dấu năm mươi năm sự nghiệp của một trong những đại nhiếp ẳnh gia hiếm hoi của nửa cuối thế kỷ 20 hiện vẫn hoạt động.
Trực giác về khoảnh khắc !
Khai mạc hôm 03/03/2009, cuộc triển lãm do Viện Bảo Tàng Musée de la Vie romantiqe (Bảo Tàng Cuộc sống lãng mạn) tại Paris tổ chức, dưới tên gọi Instinct de l'instant / tạm dịch là ''Trực giác về khoảnh khắc'', sẽ mở cửa đón công chúng cho đến ngày 26/07/2009.
110 bức ảnh được giới thiệu lần này của nhà nhiếp ảnh, năm nay đã 86 tuổi đời, như kể lại hành trình của ông từ năm 1953 khi ông bắt đầu nổi tiếng với bức Người thợ sơn trên tháp Eiffel, cho đến năm tháng 11 năm 2008, khi ông có mặt tại Hoa Kỳ theo dõi cuộc bầu cử tổng thống Mỹ.
Công viên Thống Nhất Union Square tại New York - 2008 -Ảnh : © Marc Riboud
Marc Riboud từng được mệnh danh là nhiếp ảnh gia lữ khách, vì ông đã thường xuyên cầm máy lặn lội đến những phương trời xa xôi, đặc biệt là châu Á, từ Trung Quốc, Tây Tạng (ngay từ năm 1957), Indonexia, Nhật Bản, cho đến Ấn Độ, Nepal, Thái Lan và ngay cả Việt Nam.
Trong những năm từ 1968 cho đến 1970, Marc Riboud đã đến thăm cả miền Bắc lẫn miền Nam Việt Nam, ghi lại những cảnh tượng từ cả hai phiá. Kết quả thu hoạch được sau các chuyến du hành này là Marc Riboud đã hai lần được giải thưởng của Hội Overseas Press Club, vào năm 66 với loạt ảnh về Trung Quốc, và vào năm 1970 với các bức hình chụp được tại miến Bắc Việt Nam.
Ngoài Châu Á, lẽ dĩ nhiên Marc Riboud cũng đặt chân đến hầu như không nơi nào trên thế giới, từ châu Phi, châu Mỹ cho đến Tây Âu, Đông Âu. Bản thân ông cũng công nhận : ''Tôi đã du ngoạn rất nhiều''.
Bóng phản chiếu bên bờ kênh. Hà Lan 1994 -Ảnh : © Marc Riboud
Tĩnh vật. Bắc Kinh 2005 - Ảnh : © Marc Riboud
Trong cuộc triển lãm tại Paris lần này khách đến xem có dịp khám phá lại một số nơi mà Marc Riboud đã có dịp đi qua, nhìn lại chân dung của những con người nổi tiếng hay bình thường mà ông đã gặp, từ Fidel Castro, Mao Trạch Đông, cho đến Yves Saint Laurent, Pablo Picasso...
Nét độc đáo trong cuộc triển lãm là công chúng lần đầu tiên có dịp hiểu rõ thêm về tài nghệ gọi là ''nắm bắt khoảnh khắc'' của nhà nhiếp ảnh, qua một số phiên bản chưa từng thấy của nhiều bức ảnh nổi tiếng của ông, đặc biệt là hai bức Người Thợ sơn trên tháp Eiffel, đã được tạp chí Life chon đăng vào năm 1953, và bức Cô gái với cành hoa chụp năm 1957.
Về bức Người Thợ sơn trên tháp Eiffel, tại cuộc triển lảm lần này, Marc Riboud đã cho giới thiệu cảnh anh thợ sơn đang uốn mình để sơn tại một góc tháp chứ không phải là đang giang tay như trong bức được tác giả cho đăng vào năm 1953.
Phiên bản mới được công bố của bức Người thợ sơn trên tháp Eiffel - 1953 - (Ảnh: © Marc Riboud)
Còn về bức Cô gái với cành hoa năm 1967, lần này lần đầu tiên khán giả được xem một tấm hình mầu, bên cạnh bức ghi lại "khoảnh khắc" lúc cô gái giang tay trước hàng lính, thay vì giơ cành hoa về phiá trước như trong bức hình đen trắng mà mọi người đều biết cho đến nay.
Bậc thầy về bố cục
Trả lời phỏng vấn của chúng tôi, nhiếp ảnh gia Nguyễn Xuân Khánh, giảng viên Khoa Nhiếp ảnh trường Cao đẳng Sân khấu và Điện ảnh Thành phố Hồ Chí Minh, đã dựa trên ba tác phẩm quan trọng của Marc Riboud để giải thích vì sao nhiếp ảnh gia này được mệnh danh là bậc thầy của bố cục. Đó là bức ''Người Thợ Sơn trên tháp Eiffel'', ''Cô gái với cành hoa'', và bức ''Các khung cửa sổ của một cửa hiệu đồ cổ'', chụp tại Bắc Kinh năm 1965.
Sau đây là toàn bộ bài phân tích của anh Nguyễn Xuân Khánh, giảng viên Nhiếp ảnh, trường Cao đẳng Sân khấu và Điện Ảnh Thành phố Hồ Chí Minh, nghe tại đây
Là một nhiếp ảnh gia đã thành danh, từng là Giám đốc đặc trách châu Âu của hãng thông tấn nhiếp ảnh nổi tiếng Magnum, Marc Riboud vẫn rất khiêm tốn. Trong bài trả lời phỏng vấn hãng AFP vào trung tuần tháng ba vừa qua, ông xác định là có rất nhiều từ ngữ làm ông bức bội: ''Tôi không phải là phóng viên nhiếp ảnh, tôi không phải là nghệ sĩ, tôi chỉ là nhà nhiếp ảnh''.