Sau khi xử lý xong bề mặt kim loại, bước tiếp theo là phủ chất kết dính lên trên bề mặt kim loại. Trong khoảng thời gian chuyển tiếp giữa hai quá trình này, nên giữ bề mặt kim loại tránh bụi bẩn, dầu mỡ, nước hoặc tiếp xúc với không khí trong một thời gian dài, vì chúng có thể gây ra các vấn đề bám dính của cao su với kim loại sau này. Phủ chất kết dính lên bề mặt kim loại có 3 phương pháp chính là phun, ngâm và quét. Bài viết này phân tích những ưu và khuyết điểm của từng phương pháp.
Phương pháp phun
Truc cao su dung trong nganh go lam tu cao su nitril (NBR) |
Phương pháp phun được sử dụng rất linh hoạt nhưng thích hợp nhất với những chi tiết yêu cầu bao phủ từng phần, chọn lọc, khi ấy ta dùng những tấm chắn phun để chắn các phần không cần bao phủ. Lớp màng phun bên ngoài đều, không chảy, không gợn sóng, có tính thẫm mỹ cao. Bề dày lớp màng phun được điều khiển dễ dàng bằng các quá trình pha loãng chất kết dính trong dung môi, hoặc điều chỉnh lưu lượng phun, áp suất phun v.v…
Khuyết điểm của phương pháp này là năng suất không cao như các phương pháp khác, phải dùng thường xuyên. Ngoài ra, cần phải tốn nhiều chi phí để đầu tư thiết bị (như súng phun, bể chứa, cánh khuấy, ống dẫn, thiết bị điều chỉnh áp suất) và bảo trì thiết bị (khá thường xuyên). Cuối cùng, một lượng chất kết dính và dung môi phân tán vào trong không khí gây lãng phí hóa chất, ô nhiễm môi trường; nếu sử dụng phun tĩnh điện có thể hạn chế bớt một phần.
Phương pháp ngâm
Đây là phương pháp rất đơn giản, tiện lợi và có tính kinh tế: chỉ cần ngâm chi tiết kim loại vào bể và lấy chúng ra; nó có thể áp dụng cho quy mô sản xuất từ nhỏ tới lớn. Chi phí đầu tư không cao như phương pháp phun. Năng suất của quá trình rất cao, tiết kiệm hóa chất. Tuy nhiên, do quá trình khá đơn giản nên hơi khó điểu khiển bề dày lớp màng kết dính được đồng đều và như ý muốn, thông thường bề dày tăng từ đỉnh tới đáy do lực trọng trường kéo chất kết dính còn ướt xuống phần chi tiết bên dưới. Phương pháp này chỉ thích hợp khi chi tiết cần được bao phủ hoàn toàn, nếu không thì lãng phí chất kết dính ở các phần không cần phải bao phủ.
Phương pháp quét
Đây là phương pháp đơn giản nhất, phù hợp với sản xuất nhỏ lẻ, gián đoạn. Chi phí đầu tư ít nhất. Tuy nhiên, lớp màng kết dính có bề dày không đồng đều, thường có các dấu quét, gợn sóng, gây ảnh hưởng đến sự kết dính.
*Hiện nay có các máy đo bề dày lớp màng chất kết dính dựa trên kỹ thuật tán xạ ngược, hoặc cảm ứng từ giúp ích rất nhiều trong việc sản xuất và kiểm tra chất lượng các sản phẩm kết dính.
Tóm tắt từ tài liệu Handbook of Rubber Bonding, Bryan Crowther, 2003, trang 69 – 71.
(vtp-vlab-caosuviet)
Tag: kết dính, kim loại, bám dính, bao phủ