Mỗi đất nước, mỗi dân tộc lại có một trang phục truyền thống riêng. Nhưng có lẽ bộ Kimono của Nhật Bản thực sự đã tạo nên một câu chuyện thú vị bởi kiểu dáng độc đáo, bởi cách mặc và làm nên một bộ Kimono khá cầu kỳ, và bởi ngay cả sự hiện diện đặc sắc trong những dịp nghi lễ của người Nhật.
Nói đến Kimono là người ta nghĩ ngay đến xứ Phù Tang với hình ảnh người phụ nữ Nhật Bản đẹp, kiêu sa cùng với những cánh hoa anh đào mỏng manh. Và Kimono quả thực là độc đáo nhất trong số trang phục truyền thống của Nhật Bản. Xưa kia, cả đàn ông và phụ nữ đều sử dụng Kimono như trang phục hàng ngày. Nhưng ngày nay, thường chỉ có phụ nữ Nhật mặc Kimono như nghi phục chính thức, còn hình ảnh người đàn ông Nhật Bản mặc Kimono thường chỉ thấy trong các đám cưới hoặc các dịp lễ theo kiểu truyền thống khác.
Du nhập vào Nhật Bản vào khoảng đầu thế kỷ thứ 7, thời đại trị vì của vua Heian dưới dạng những bộ đồ lót bằng cotton, nhưng phải đến khi người Nhật đã chắt lọc được những tinh túy, sáng tạo nó thành một kiểu riêng , đẹp và cầu kỳ hơn rất nhiều thì Kimono mới chính thức được đón nhận và phát triển nhanh chóng trở thành trang phục truyền thống của người Nhật.
Thời kỳ đầu, chiếc áo Kimono với cánh tay áo xẻ và dài chạm tới đất, thân áo dài nhiều lớp màu sắc khác nhau được phối hợp một cách tinh tế thường xuất hiện trong các dịp nghi lễ long trọng của giới thượng lưu.Cho đến thời kỳ Kamamura (1192-1333) và Muromachi (1338-1573) –thời kỳ của các võ sĩ đạo Nhật Bản, bộ lễ phục Kimono đã được các võ sĩ đạo đưa vào trở thành trang phục mặc thường ngày và Kimono đã trở nên phổ biến trong đời sống thường ngày của người dân Nhật Bản. Kimono dành cho nam giới và nữ giới có những điểm khác biệt riêng và Kimono nam giới được may thêm quần chẽn ở bên trong. Các võ sĩ đạo cũng đã tạo ra một bộ y phục Kimono riêng khi lên võ đài với tên gọi là Hakama với các nếp gấp mang ý nghĩa tôn vinh tinh thần võ sĩ đạo. 5 nếp gấp đằnh trước, và 2 nếp gấp đằng sau, mỗi nếp gấp đều có một ý nghĩa riêng: “Yuki”-lòng quả cảm; “Jin”-lòng nhân ái; “Gi”-sự công bằng, chính trực; “Rei”-sự lịch thiệp, lễ độ; “Makoto”-sự chân thành; “Chugi”-tính cống hiến, “Meiyo”-phẩm giá và danh tiếng.
Vào thời Edo (1603-1868), cùng với sự ra đời của thắt lưng Obi, Kimono đã có một thay đổi lớn. Chiếc thắt lưng Obi không chỉ giúp tạo sự gọn gàng, mà còn có tác dụng trang trí, mang tính thẩm mỹ rất cao , tôn thêm dáng vẻ của bộ trang phục cũng như người mặc nó. Để tạo thành một chiếc thắt lưng Obi cũng cầu kỳ không kém việc may một bộ Kimono. Và thắt lưng Obi đã trở thành một thứ không thể thiếu được của Kimono, cùng với các phụ kiện khác như dây “Koshi-himo”, dây “Date-jime”, dây “Obijime”, nơ bướm “Chocho” trâm cài đầu, guốc gỗ…Có hơn 300 kiểu Obi khác nhau, nhưng có hai kiểu phổ biến nhất : kiểu “Taiko” giống như hình trụ đai ngang của cái trống, là kiểu truyền thống nhất thường sử dụng cho các phụ nữ đã có gia đình, và kiểu “Fukura suzume” giống như hình con chim sẻ thường sử dụng cho các phụ nữ chưa kết hôn. Obi của nam giới có thể chia ra làm hai loại: Kaku và Heko. Kaku Obi được làm từ vải cotton cứng, rộng khoảng 9 cm. Heko Obi làm từ các chất liệu mềm hơn, và thường sử dụng vải lụa nhuộm.
Mỗi bộ Kimono đều được làm thủ công và mang tính đơn chiếc. Đó là một tác phẩm nghệ thuật công phu, tỉ mẩm từ khâu chọn vải, kết hợp màu sắc, trang trí hoa văn, và lựa chọn các phụ kiện đi cùng. Thiết kế của bộ Kimono cũng hết sức đặc biệt và độc đáo, gồm 8 mảnh ghép với nhau cho phép điều chỉnh kích cỡ phù hợp với người mặc.Do vậy, kích thước không phải là yếu tố quan trọng trong việc may một bộ Kimono, và đôi khi một bộ Kimono gắn bó với chủ nhân của nó suốt cả cuộc đời. Kimono có thể được trang trí bằng các hoa văn thêu hoặc nhuộm. Những bộ Kimono dành cho phụ nữ thường được trang trí các họa tiết hình hoa, lá, hoặc các hình mang tính chất biểu tượng. Các họa tiết,các lớp vải Kimono được chọn lựa phối hợp giữa các màu sắc rất sinh động và bắt mắt. Và quả không có gì sai nếu ai đó ví bộ Kimono như một bức họa nhiều màu sắc. Có hai cách tạo màu sắc cho Kimono. Thứ nhất là sử dụng vải Tsumugi dệt từ những sợi nhuộm màu khác nhau, và Tsumugi Kimono khi may xong sẽ có luôn cả màu sắc lẫn hoa văn. Thứ hai là Kimono may từ vải trắng với tên gọi là Iromuji kimono, sau đó mới đem vải trắng đi nhuộm và vẽ hoặc thêu họa tiết lên trên. Kỹ thuật nhuộm vẽ Yumen đã tạo nên cho những bộ Kimono yumen một vẻ đẹp rất cuốn hút.
(htt)