Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp: Tập trung theo hướng giá trị gia tăng và phát triển bền vững

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) vừa đưa ra tham vấn đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Định hướng chung là tiếp tục phát triển mạnh các ngành hàng có lợi thế cạnh tranh, có thị trường trên cơ sở phát huy thế mạnh vùng, miền.

Đồng thời, đề án cũng đưa ra các biện pháp nhằm tập trung tăng năng suất, chất lượng, hiệu quả; phát triển công nghiệp chế biến để nâng cao giá trị gia tăng cho hàng hóa nông sản. Theo dự thảo Đề án tái cơ cấu, đến năm 2020, tốc độ gia tăng giá trị sản xuất bình quân của ngành trồng trọt đạt 3%/năm; ngành chăn nuôi đạt 7-8%/năm; ngành thủy sản đạt khoảng 11%/năm; ngành lâm nghiệp là 4%/năm. Đặc biệt, việc tái cơ cấu đó nhằm hướng đến mục tiêu: "Trở thành một cường quốc xuất khẩu nông sản".

Tại Hội nghị tham vấn Đề án, nhiều chuyên gia của các tổ chức quốc tế cho rằng, việc tái cơ cấu ngành nông nghiệp không thể chỉ chú trọng vào tăng giá trị xuất khẩu mà cần phải tính đến nhiều yếu tố liên quan. Theo bà Victoria Kwa - Giám đốc Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam, cần xem kế hoạch tái cơ cấu ngành nông nghiệp thế nào cho phù hợp trong đó có tái cơ cấu các doanh nghiệp Nhà nước, tăng cường đầu tư tư nhân, tăng cường đầu tư nước ngoài ...

Góp ý về cấu trúc của đề án, ông Vũ Trọng Bình, Phó Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn cho rằng, sự cạnh tranh về không gian sản xuất nông nghiệp hiện chưa được quy hoạch rõ ràng, không có sự tách bạch về đất nông nghiệp và đất đô thị nên đây là yếu tố gây cản trở tích tụ đất đai cho nông nghiệp. Theo đó, đề án nên tái cơ cấu theo không gian, quy hoạch các vùng sản xuất theo sản phẩm. Để đảm bảo phát triển giá trị gia tăng cho sản phẩm, đề án cần tái cơ cấu theo chuỗi sản phẩm. Bộ cần xác định các chuỗi sản phẩm điển hình, chiến lược của ngành, là đầu tàu kéo cho từng vùng và các chuỗi này phải được tập trung khoa học công nghệ, hạ tầng mạnh.

Bộ trưởng Cao Đức Phát cho biết, để thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp, Việt Nam sẽ đặc biệt ưu tiên đến chính sách khuyến khích đầu tư tư nhân như giảm thuế cho doanh nghiệp đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp. Cụ thể, sẽ điều chỉnh cách tiếp cận, làm rõ hơn các mục tiêu về chất lượng, xã hội và thể hiện rõ hơn quan tâm đến lợi ích của người nông dân, nhất là người nghèo. Trên cơ sở đó, sẽ điều chỉnh cơ chế chính sách cho phù hợp với thực tiễn.

Tạp chí Cao su Việt Nam, số 363 ngày 15/05/2012
Nguồn:
Hiệp Hội Cao su Việt nam
http://www.vra.com.vn/web/?idx=news_detail&mod=news&act=detail&id=2563&ngay=2012-05-30&type=1 

Phớt bằng cao su tổng hợp nbr  kháng dầu, kháng mòn