214. Phát triển thương hiệu từ nhãn hiệu

24/6/2011 214.
 Tin từ Hiệp Hội cao su nhựa Việt nam.


Sáng 7/6/2011, tại Hà Nội, Cục Sở hữu trí tuệ (SHTT) phối hợp với Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO) tổ chức hội thảo cho các doanh nghiệp về phát triển thương hiệu từ nhãn hiệu. 
Hơn 100 đại biểu từ đại diện các doanh nghiệp và tổ chức trong nước đã đến tham dự.



Ông Louis Chan, Chuyên gia tư vấn pháp lý đến từ P&G Châu Á đã có buổi thuyết trình về bí quyết chuyển nhãn hiệu thành thương hiệu.
Qua câu chuyện của những thương hiệu nổi tiếng như Apple, Cocacola, P&G, Nokia... các chuyên gia đã giúp các doanh nghiệp Việt Nam ý thức được vai trò quan trọng của nhãn hiệu trong phát triển thương hiệu cũng như cách tạo dựng và duy trì một thương hiệu thành công; cách bảo vệ nhãn hiệu và thương hiệu ở cấp độ quốc gia và quốc tế.
Từ nhãn hiệu chiến lược, doanh nghiệp sẽ hình thành nên thương hiệu mạnh vì củng cố sự trung thành của khách hàng, tăng doanh số và thu nhập, đưa ra thị trường sản phẩm mới hoặc xác định lại vị trí của sản phẩm đang có, tạo ra tài sản có giá trị trong các giao dịch tài chính, ông Louis Chan phân tích.
Thực tế tại Việt Nam, các doanh nghiệp ý thức được giá trị của việc phát triển thương hiệu từ nhãn hiệu còn chưa nhiều. Đó cũng là lý do tại sao các thương hiệu của Việt Nam chưa đủ mạnh trên thị trường quốc tế. Ông Ye Min Than - chuyên gia cao cấp từ WIPO nhận định.
Đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa ở Việt Nam, ông Malone, Trưởng phòng Sở hữu trí tuệ Công ty Foster (Úc) khuyến cáo: "Hãy thiết lập một cơ chế bảo hộ nhãn hiệu được định hướng bởi chiến lược thương hiệu. Đảm bảo mối quan hệ chặt chẽ giữa tiếp thị và quản lý nhãn hiệu trong quá trình phát triển thương hiệu".
Đại diện nhãn hàng Vinacafé, ông Nguyễn Thanh Tùng, Trưởng phòng Marketing, cho biết mặc dù biết thương hiệu là tài sản của doanh nghiệp tuy nhiên không phải lãnh đạo doanh nghiệp nào cũng lưu tâm đến khía cạnh này.
Nhãn hiệu Vinacafé ra đời từ tháng 1-1983. Thế nhưng từ đó đến năm 1990 nhãn hiệu ngày chỉ được biết đến nhiều ở Liên Xô cũ và một số nước Đông Âu. 
Đến năm 1993 Vinacafé mới xúc tiến đăng ký nhãn hiệu hàng hóa, đăng ký bảo hộ kiểu dáng công nghiệp và bản quyền tác giả đối với tất cả bao bì sản phẩm.
Theo ông Tùng, việc đăng ký bảo hộ nhãn hiệu mặc dù tốn không ít tiền bạc nhưng đó lại là điều kiện đầu tiên để doanh nghiệp yên tâm đầu tư xây dựng thương hiệu.
Theo ông Nguyễn Thanh Bình, Trưởng văn phòng đại diện Cục Sở hữu trí tuệ Việt Nam tại TPHCM, chi phí đăng ký bảo hộ nhóm sản phẩm của một nhãn hiệu có hiệu lực trong 10 năm tốn chưa tới 1 triệu đồng.
Tuy nhiên các doanh nghiệp rất thờ ơ và chỉ quan tâm khi họ gặp rắc rối vì bị đối thủ làm nhái, làm giả sản phẩm.
(Hiệp hội Cao su Việt Nam tổng hợp)


http://www.vra.com.vn/web/?idx=news_detail&mod=news&act=detail&id=1980&ngay=2011-06-23&type=1

Nắp chụp được sản xuất từ cao su thiên nhiên

Sản phẩm cao su trong ngành dệt sợi