30/8/2011
Du lịch Bỉ -
Không ngày nào, thế giới lại thiếu vắng các thông tin được truyền từ thủ đô
Brussels, Bỉ, nơi được coi là trung tâm hội nghị của thế giới. Với các quan chức
làm việc cho Uỷ ban Châu Âu (EC), Brussels đồng nghĩa với họp hành. Nhưng chúng
ta sẽ tìm hiểu thành phố này ở một mặt khác của nó.
Trước khi tới Brussels dự hội thảo về mở rộng Liên
minh Châu Âu (EU) và đồng tiền chung euro, theo lời mời của EC, đối tác gửi cho
tôi một lịch trình làm việc đặc kín. Ngay cả các bữa trưa và bữa tối cũng được
tận dụng để... làm việc. Trong số các thành viên đoàn nhà báo Châu Á tới
Brussels lần này, có 2 người đã từng đến thủ đô của Bỉ, và chủ yếu để dự hội
nghị. Lịch trình các cuộc họp cuốn hút họ từ lúc đặt chân đến sân bay, tới lúc
về. Vì vậy, họ chẳng biết gì ngoài các trụ sở quốc tế uy nghi và phòng họp sang
trọng.
Chúng tôi quyết định dành vài tiếng đồng hồ để tìm hiểu
Brussels. Thành phố rộng 161km2 với 1 triệu dân này "chứa đựng" tới
1.000 tổ chức và 2.000 tập đoàn quốc tế. Có lẽ vì thế mà người ta gọi Brussels
là trung tâm hội nghị lớn nhất thế giới.. Số lượng phóng viên có mặt tại đây
luôn nhiều nhất so với bất cứ thành phố nào khác trên thế giới, kể cả New York.
Bản đồ du lịch thành phố gợi ý 50 địa điểm du khách
nên đến khi tới Brussels. Với 2 tiếng đồng hồ, chúng tôi chỉ chọn 3 nơi:
Atomium, Manneken Pis và sau đó là ăn tối ở ... quán bar. Ngoài ra, tôi tìm thấy
cho mình một bí mật riêng. Mục số 18 trên bản đồ, giới thiệu "một quán ăn
Việt Nam ngon và rẻ" tên là Da Kao II. Tôi sẽ tìm cách tới đó.
Vừa ra khỏi cổng khách sạn được vài trăm mét, tất cả đều
ồ lên khi gặp một cửa hàng bán sôcôla lớn, với thương hiệu khá nổi tiếng
Neuhaus, có từ năm 1857. Chúng tôi hoa mắt với hàng trăm loại sôcôla khác nhau.
Tất cả được để trong tủ kính, nhưng để "trần", chứ không gói gém sẵn
như những hộp sôcôla đẹp đẽ thường thấy ở siêu thị. Hoá ra, phải mua sôcôla như
vậy mới... sành điệu.
Ai thích loại nào, chỉ vào loại đó. Người bán cân đong
đo đếm rồi mới cho vào hộp. Có một khu vực bày sẵn đủ các loại hộp đẹp mắt vô
cùng. Ông chủ tiệm niềm nở mang sôcôla mẫu mời nếm thử và giới thiệu: "Nếu
quý vị tặng bạn gái loại này, cô ta không thể không yêu bạn". Không
ai bảo ai, tất cả đều... rút ví và khệ nệ xách.
Nếu như người Pháp có tháp Eiffel là niềm tự hào và biểu
tượng của thủ đô Paris hoa lệ, thì công trình Atomium cũng đóng vai trò tương tự
đối với dân Brussels. Atomium là một khối tượng đài bằng kim loại lớn, được xây
dựng từ năm 1958 nhân dịp Hội chợ thế giới Expo. Nó cao 102m, gồm 9 quả cầu sắt,
nối với nhau bằng các ống lớn, mô phỏng hình một tế bào, được phóng đại 165 tỉ
lần. Tác giả công trình là nhà thiết kế André Waterkeyn.
Hướng dẫn viên tại Atomium cho biết lúc đầu, người ta
chỉ định để khối tượng đài tồn tại trong 6 tháng, nhưng nó đã thu hút quá nhiều
du khách, thành công ngoài mong đợi và trở thành biểu tượng của kiến trúc hiện
đại Brussels cho đến ngày nay. Năm 2008 này, Atomium sẽ kỷ niệm sinh nhật lần
thứ 50.
Atomium luôn mở rộng cửa đón du khách vào thăm. Để lên
quả cầu trên đỉnh không phải dễ. Đầu tiên bạn phải trả 9 euro (hơn 200 nghìn đồng)
mua vé. Sau đó kiên nhẫn đứng vào cuối dòng người dài hàng trăm mét chờ tới lượt.
Trong lòng các ống sắt nối các khối cầu kim loại với nhau chính là thang máy,
đưa người xem đi từ quả cầu này sang quả cầu khác. Mỗi quả có đường kính 18m,
dùng để làm phòng triển lãm, quán giải khát... Sự kiên nhẫn xếp hàng sẽ được đền
đáp khi lên đến quả cầu trên cùng: Toàn bộ Brussels trong tầm mắt.
Rảo bước trên những tuyến phố yên bình ở thủ đô
Brussels, chúng tôi thú vị bắt gặp hình ảnh của một nhân vật hoạt hình quen thuộc:
Tintin. Cuộc phiêu lưu của Tintin và con chó Snowy là loạt truyện tranh và phim
hoạt hình nổi tiếng thế giới, do hoạ sĩ Bỉ Hergé sáng tạo.
Hồi còn bé, trẻ con chúng tôi ai cũng thích hoạt hình
Tintin. Đến bây giờ tôi mới biết Tintin xuất phát từ Bỉ. Nhân vật truyện tranh
và hoạt hình đó nổi tiếng đến nỗi, tướng Pháp Charles de Galles từng thốt lên:
"Đối thủ quốc tế của tôi chỉ có mình Tintin".
Và phong cách vẽ tranh của Hergé đã tạo nên một hiện
tượng ở Bỉ. Trên các bức tường trống lớn, người ta vẽ nhiều bức tranh, nhưng tất
cả đều theo phong cách hội hoạ Hergé.
Tại thủ đô Brussels, sau một thời gian dài buông lỏng quản lý về kiến trúc, có rất nhiều công trình đồ sộ với mặt tiền toàn kính mọc lên bên cạnh những toà nhà cổ kính tạo nên sự tương phản không mấy dễ chịu. Những năm gần đây, chính quyền thành phố yêu cầu tất cả các toà nhà khi cải tạo phải giữ nguyên mặt tiền. Và thành phố sẵn sàng hỗ trợ 30% giá trị công trình để thực hiện mục tiêu bảo tồn đó.
Tại thủ đô Brussels, sau một thời gian dài buông lỏng quản lý về kiến trúc, có rất nhiều công trình đồ sộ với mặt tiền toàn kính mọc lên bên cạnh những toà nhà cổ kính tạo nên sự tương phản không mấy dễ chịu. Những năm gần đây, chính quyền thành phố yêu cầu tất cả các toà nhà khi cải tạo phải giữ nguyên mặt tiền. Và thành phố sẵn sàng hỗ trợ 30% giá trị công trình để thực hiện mục tiêu bảo tồn đó.
Điểm đến cuối cùng của chúng tôi, cũng là nơi khiến mọi
người tò mò và háo hức nhất: Manneken Pis, tiếng Hà Lan nghĩa là "Cậu bé
đang tè". "Ôi bé tí tẹo thế này thôi à" - một đồng nghiệp nữ thốt
lên khi nhìn thấy Manneken Pis. Đó là bức tượng đồng nhỏ, cao vẻn vẹn 60cm, nằm
ở một góc phố trên đường L'Etuve.
Chúng tôi cũng thấy vô cùng bất ngờ bởi không hiểu sao
bức tượng nhỏ xíu này lại có thể thu hút hàng triệu triệu lượt du khách tới
đây. Cậu bé tạo ra không biết bao lợi nhuận cho ngành dịch vụ du lịch và thủ
công ở Brussels. Một cái mở bia hình Manneken Pis được bán với giá 5 euro, hơn
100 nghìn đồng.
Manneken-Pis được tạo ra từ thế kỷ 17. Chẳng ai biết
mô phỏng của cậu bé này là ai, tại sao cậu lại ở đấy. Có rất nhiều truyền thuyết
được thêu dệt xung quanh chú bé. Nhưng câu chuyện hấp dẫn nhất mà tôi nghe được
là: "Một cậu bé đi theo cha đến dự tiệc, nhưng giữa chừng cậu mót tè. Cậu
lẻn ra ngoài và tè vào tường của một ngôi nhà gần đó. Chẳng may, đó là nhà của
một mụ phù thủy độc ác. Mụ tức giận biến cậu bé thành bức tượng đồng để đứng đó
tè suốt đời".
Câu chuyện chỉ đơn giản có vậy. Bức tượng cũng không
có gì cầu kỳ. Vậy mà người ta yêu mến đến nỗi lập ra Hội Những người bạn của
Manneken-Pis để chăm sóc cậu. Cậu bé có tới hơn 800 bộ quần áo khác nhau từ khắp
nơi trên thế giới.
Vào những dịp đặc biệt, người ta lại thay đồ cho cậu.
Ngoài những bộ đồ thông thường như cảnh sát, cứu hoả, cậu bé có cả trang phục của
ca sĩ Elvis, fan của Real Madrid, thậm chí có bộ hoá trang ma cà rồng.
Cũng có khi, người ta chính trị hoá em bé bằng cách mặc
cho cậu trang phục để phản đối cuộc chiến ở Iraq... Toàn bộ quần áo của
Manneken Pis được cất giữ cẩn thận tại Cung điện lớn của thành phố.
Một điều khá hài hước mà chúng tôi vô tình phát hiện
ra là, trong khi cậu bé Manneken-Pis bị phù thuỷ phạt vì tè bậy thì thủ đô
Brussels không hề có bất cứ nhà vệ sinh công cộng nào, khác hẳn các thành phố ở
Châu Âu khác. Thậm chí, chúng tôi còn thấy có những người tè bậy ra đường. Mỗi
lần có nhu cầu, chúng tôi đành vào quán, mua 1 cốc bia, để nhờ toalét. Nhưng đó
là giải quyết cốc bia uống lần trước. Cốc vừa mua sẽ được "trả lại" ở
một quán khác để uống cốc bia mới...
22h, tôi tìm đường tới quán Da Kao ở đường Artevelde.
Gần nửa đêm nhưng quán vẫn đông nghịt khách. Ngồi chung bàn với hai "người
Tây", tôi ngạc nhiên khi nghe họ gọi rất thành thục bằng tiếng Việt: Phở bò
viên và nem. Hoá ra, những thực khách này đã quá quen với món ăn tại đây và thuộc
tên từ khi nào. Nhìn thực đơn, tôi thấy có canh chua cá bông lau, cua rang muối,
lươn xào, phở, nem, bún bò... Tất cả đều ghi bằng tiếng Việt và chú thích bằng
tiếng Pháp.
Thực ra tại Châu Âu, có rất nhiều quán do người Việt
làm chủ. Nhưng hầu hết lại đeo biển là quán ăn Châu Á, Thái, Tàu... Ít người dám
đề "Vietnamese Food" như ở đây. Tất cả các nhân viên của quán đều là
người Việt.
Đợi mãi tới 24 giờ, chủ quán Mai Tấn Cường mới có thể
ngơi tay ngồi tiếp chuyện với tôi. Chính anh Cường cũng bất ngờ khi tôi đưa xem
tấm bản đồ du lịch, nơi đã quảng bá miễn phí cho quán ăn của anh. "Có gì
đâu, mình làm vừa ngon vừa rẻ thì tự họ tới thôi" - anh Cường khiêm tốn
nói.
Quê gốc ở Đà Nẵng, rời VN cách đây 30 năm, anh Cường
giờ mang quốc tịch Bỉ. Đã 4 năm qua kể từ khi mở quán, anh không thu xếp được
thời gian về thăm quê hương. "Mỗi lần đi mua con cá lóc hay mua đồ để nấu
ăn, tôi lại nhớ nhà" - anh Cường nói. Anh mời tôi bát bún bò chả giò. Ngồi
giữa thủ đô của Châu Âu, ăn bát bún nóng với đầy đủ rau húng, rau thơm, giá đỗ,
tôi thấy trong mấy ngày qua, đây thực sự là món ăn ngon nhất.
Theo: CamNangDuLich.com
Nguồn: laodong.com.vn
Nguồn: laodong.com.vn