575. Casumina mở đường sang Mỹ


4/9/2011

Tác giả: Trần Trọng Tú 

Casumina không ngần ngại triển khai những dự án đầu tư lớn, trong bối cảnh lãi suất tăng cao.

5 năm trở lại đây, Casumina, một doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu lốp xe với lịch sử 35 năm phát triển, đã có những bước thay đổi chiến lược rất mạnh mẽ để thích ứng với xu hướng của thị trường. Và từ năm 2010 đến nay, khi kinh tế vĩ mô phơi bày hàng loạt thách thức về tỉ giá, lãi suất khiến nhiều doanh nghiệp phải co cụm thì Casumina vẫn an toàn với chiến lược mới.

“Có 2 yếu tố khiến chúng tôi nghĩ rằng mình phải thay đổi. Thứ nhất, sản xuất săm lốp đang tăng trưởng tốt tại châu Á, trong khi nhu cầu tiêu dùng sản phẩm này tại thị trường Mỹ cũng gia tăng. Và thứ hai, đối thủ nặng ký nhất trên thị trường này là Trung Quốc đang gặp khó khăn”, ông Lê Minh Trí, Phó Tổng Giám đốc Casumina, cho biết.



Chuyển đổi chiến lược

30 năm trước, lốp xe hơi được sản xuất chủ yếu từ các khu vực có nền kinh tế phát triển như châu Âu, Mỹ, Nhật và bán sang các nước đang phát triển. Khi đó, lượng lốp xe sản xuất ở châu Á chiếm chưa đến 20% thị trường thế giới. Tuy nhiên, đến năm 2010, châu Á đã chiếm đến 54% lượng lốp xe hơi sản xuất ra trên toàn thế giới; 1/2 trong số đó là từ Trung Quốc.

Lịch sử ra đời của Casumina gắn liền với việc sản xuất săm lốp xe đạp phục vụ thị trường nội địa và xuất khẩu. Casumina có lợi thế lớn bởi nguyên liệu chính để sản xuất sản phẩm này là cao su thiên nhiên mà Việt Nam khá dư thừa. Mỗi năm sản lượng mủ cao su thiên nhiên tại Việt Nam đạt khoảng 800.000 tấn, nhưng nhu cầu trong nước tối đa cũng chỉ khoảng 100.000 tấn.

Tuy nhiên, ông Trí đã sớm nhận ra, săm lốp xe đạp chỉ mang lại giá trị thấp và nhu cầu ngày càng giảm, trong khi săm lốp xe hơi, xe gắn máy trở thành chủ lực và hứa hẹn mang lại giá trị xuất khẩu cao về lâu dài.
Bên cạnh việc nhìn ra xu hướng thị trường thế giới, ông Trí còn nhìn ra những lợi thế cạnh tranh so với các đối thủ, đặc biệt là Trung Quốc. Mỗi năm Trung Quốc thu mua đến 60% lượng cao su thiên nhiên xuất khẩu của Việt Nam. Chính nguồn cao su thiên nhiên này đã giúp Trung Quốc trở thành nhà sản xuất săm lốp xe hơi lớn nhất châu Á cung cấp cho Mỹ, quốc gia đang tiêu thụ đến 1/4 lượng lốp xe trên thế giới (tương đương 270 triệu lốp xe/năm).
Đến năm 2010, khi Mỹ, Canada, Úc, Ấn Độ lần lượt đánh thuế chống phá giá đến 35% đối với mặt hàng lốp xe hơi Trung Quốc, ông Trí đã xác định đây là “cơ hội ngàn năm có một”. Đó là chưa kể đến việc các doanh nghiệp sản xuất lốp xe hơi tại Trung Quốc phải chịu mức thuế xuất khẩu 8%, trong khi tại Việt Nam doanh nghiệp được ưu đãi hơn với mức thuế suất 0%.
Vì thế, 3 năm gần đây, khi tiến hành chuyển đổi chiến lược, Casumina đã giảm đáng kể sản lượng săm lốp xe đạp. Trước năm 2010, mỗi năm Casumina sản xuất bình quân hơn 10 triệu săm xe đạp và khoảng 4,2 triệu lốp xe đạp. Nhưng đến năm 2010, số lượng này chỉ còn khoảng 8,5 triệu săm và 3,2 triệu lốp.
Thay vào đó, Casumina đã nhanh chóng nhìn thấy kết quả khả quan khi chuyển sang sản xuất và xuất khẩu săm lốp xe hơi, xe máy. Doanh thu bình quân mỗi năm từ 2008 đến 2010 của công ty này là 2.448 tỉ đồng, lợi nhuận 147 tỉ đồng, tỉ lệ lợi nhuận trên vốn cổ phần (ROE) là 32,2%.
Việc tăng xuất khẩu săm lốp xe hơi đã giúp Casumina cân bằng được giá trị nhập khẩu nguyên vật liệu. Ông Trí cũng cho biết Công ty đang nỗ lực đưa cơ cấu xuất khẩu các sản phẩm giá trị cao như săm lốp xe hơi, xe gắn máy từ 23% tổng sản lượng như hiện nay lên thành 55% trong vài năm tới.

Đường đến 1 triệu lốp xe
Tuy nhiên, việc sản xuất săm lốp xe hơi không phải hoàn toàn thuận lợi đối với các doanh nghiệp Việt Nam. Khác với săm lốp xe đạp chủ yếu chỉ dùng cao su thiên nhiên, săm lốp xe hơi phải pha trộn cao su thiên nhiên và cao su tổng hợp (tỉ lệ 50/50), do cao su tổng hợp có khả năng bám đường và chịu lạnh tốt. Nhưng cả nguồn cao su thiên nhiên lẫn tổng hợp đều đang trở thành thách thức lớn đối với các doanh nghiệp như Casumina.
Trong khi các doanh nghiệp trồng cao su vui mừng vì giá cao su thiên nhiên liên tục tăng trong những năm qua thì điều này lại khiến các doanh nghiệp chế biến như Casumina gặp khó. Cao su tổng hợp cũng không dễ kiếm vì phần lớn phải nhập khẩu từ Hàn Quốc, Đức, Nhật. Mỗi năm, Casumina sử dụng khoảng 10 tấn cao su tổng hợp và phải nhập khẩu toàn bộ. Đó là chưa kể đến lượng hóa chất khá lớn để phục vụ sản xuất cũng phải nhập khẩu. Tất cả các khoản nguyên liệu nhập khẩu này khiến Casumina dễ dàng bị ảnh hưởng bởi tỉ giá.

Bài toán nguyên liệu và tỉ giá được công ty này giải quyết ra sao?
Đối với cao su thiên nhiên, Việt Nam từ trước đến nay vẫn có lợi thế đặc biệt về xuất khẩu, đứng trong “top 5” thế giới bên cạnh Thái Lan, Indonesia, Malaysia và Ấn Độ. Năm 2010 là năm giá cao su thiên nhiên đạt đỉnh, cộng thêm chênh lệch tỉ giá VND/USD nên xuất khẩu cao su thiên nhiên càng có lợi. Ngược lại, các doanh nghiệp chế biến cao su như Casumina lại bị bất lợi vì phải cạnh tranh mua cao su giá cao. Lường trước rủi ro này, khoảng 3 năm gần đây, Casumina đã liên kết đầu tư vào các công ty trồng cao su để phòng ngừa rủi ro về giá cả.
Hiệu quả đầu tiên của việc liên kết là Casumina có thể giành ưu thế về quyền mua. Hiện nay, Casumina nắm giữ 10% cổ phần của Công ty Cao su Phước Hòa và đầu tư vào các công ty khai thác cao su có tiếng khác, chẳng hạn Cao su Đà Nẵng, Cao su Đồng Phú.
Mục đích tiếp theo là hạn chế rủi ro về giá nhằm tạo lợi thế cạnh tranh. Mối quan hệ rõ nét giữa doanh nghiệp trồng và doanh nghiệp chế biến cao su là giá cả. Khi giá cao su thiên nhiên tăng, giá thành phẩm thường tăng ngay lập tức. Tuy nhiên, bằng cách hợp tác với các doanh nghiệp trồng cao su, khi giá cao su thiên nhiên tăng cao doanh nghiệp trồng cao su có thể chậm tăng giá đối với Casumina (thường là sau 3 tháng). Đây rõ ràng là lợi thế lớn của Casumina so với các doanh nghiệp chế biến khác. Ngược lại, khi giá cao su thiên nhiên giảm, Casumina phải chấp nhận chia sẻ lợi nhuận bằng việc mua cao su nguyên liệu giá cao hơn thị trường thời điểm đó một chút và giảm từ từ. Cách thức này phần nào giống với việc các công ty lớn mua nguyên vật liệu kỳ hạn để có mức giá ổn định.
Chiến lược chủ động nguồn nguyên liệu của Casumina còn thể hiện ở việc tham gia vào liên doanh với Công ty Philips Carbon Black của Ấn Độ để chế biến bột than đen, một nguyên liệu chủ lực trong chế biến săm lốp.
Từ trước đến nay, mỗi năm Việt Nam phải nhập khẩu 50.000 tấn than đen, trị giá 60 triệu USD. Nhà máy sản xuất than đen của liên doanh sẽ đặt tại Bà Rịa - Vũng Tàu, sản lượng 110.000 tấn/năm và bắt đầu cho ra sản phẩm từ năm 2012. Một nửa số này sẽ phục vụ cho thị trường trong nước, một nửa xuất khẩu sang Hàn Quốc và Nhật. “Về lâu dài, Việt Nam không những đủ nguyên liệu phục vụ cho ngành sản xuất lốp ôtô mà còn có thể xuất khẩu”, ông Trí bày tỏ tham vọng.

“Bất kỳ công ty lớn nào cũng phải nghĩ đến việc phát triển bền vững và ổn định. Việc liên kết với các nguồn nguyên liệu là nhằm hướng đến mục tiêu đó”, ông nói thêm.
Sau bước chuẩn bị nguyên liệu, Casumina đã tiến thêm một bước: đẩy mạnh sản xuất để tranh thủ cơ hội xuất khẩu, với sự hỗ trợ của một đối tác mới.
Trong lúc lãi suất ngân hàng lên đến trên dưới 25%, hầu hết doanh nghiệp đều không dám vay để đầu tư thì ông Trí vẫn tiếp tục dồn nguồn lực tài chính cho dự án nhà máy sản xuất lốp xe hơi Radial toàn thép. Nhà máy này có công suất tối đa 1 triệu lốp xe/năm với vốn đầu tư gần 4.000 tỉ đồng, được triển khai từ năm 2010 nhưng chỉ mới được đầu tư 30% vốn.
Casumina tính rằng, khi nhà máy này đi vào hoạt động từ cuối năm 2012 sẽ mang về nguồn thu ngoại tệ từ xuất khẩu lốp xe hơi vào Mỹ. “Chỉ riêng người Mỹ đã tiêu thụ đến 270 triệu lốp xe/năm. Vì thế, chúng tôi nhìn thấy rất nhiều tiềm năng từ dự án này”, ông Trí chia sẻ.
Nguồn thu này sẽ được dùng để trả nợ vay bằng USD mà công ty đã và sẽ vay để mua máy móc thiết bị. Các khoản nợ dự kiến sẽ được trả hết vào khoảng năm 2020 nếu tình hình xuất khẩu tốt. Và để đảm bảo việc xuất khẩu đủ tốt để trả hết nợ như dự kiến, Casumina đã bắt tay với một nhà phân phối hiện nắm 1/3 thị trường lốp xe hơi tại Mỹ (ông Trí không tiết lộ tên của nhà cung cấp này, chỉ cho biết ông chủ của nó là một người Đài Loan). Đặc biệt, việc hợp tác này không chỉ giúp Casumina đảm bảo mục tiêu phân phối tại thị trường Mỹ mà còn có thêm vốn để đầu tư nhà máy (nhà phân phối này cho Casumina vay 30 triệu USD).
“Trong số 270 triệu lốp xe tiêu thụ tại Mỹ năm 2010, nhà phân phối này nắm đến 90 triệu lốp. Họ hứa sẽ giúp Casumina tiêu thụ 2 triệu lốp, nhưng thực chất với công suất của nhà máy mới chúng tôi chỉ có đủ 1 triệu lốp để xuất khẩu”.
Thương vụ này khiến ông Trí tin rằng không chỉ Casumina mà nhiều doanh nghiệp Việt Nam khác hoàn toàn có thể tăng đầu tư để xuất khẩu nhằm cân bằng cán cân xuất nhập trong doanh nghiệp. Ông Trí cho biết còn đang nỗ lực liên kết các doanh nghiệp cùng ngành và một số đối tác nước ngoài để có thể mở rộng dự án, đạt đến mục tiêu xuất khẩu 8 triệu lốp/năm.
Nhìn rộng ra thị trường thế giới, các doanh nghiệp chế biến cao su như đang trở nên “có giá”. Mỹ, châu Âu, Nhật đều có nhu cầu tiêu thụ cao su thành phẩm rất lớn nhưng phải giảm sản lượng do giá cao su thiên nhiên tăng cao. Trong khi đó, các doanh nghiệp Việt Nam có lợi thế rất lớn về nguồn cao su thiên nhiên. Vì thế ông Trí bày tỏ kỳ vọng sẽ tăng thêm được 6% thị phần trong giai đoạn 2011-2013, khi có thêm 200.000 lốp xe hơi được tung ra (hiện nay đã là 800.000 lốp). Hiện nay, Casumina chiếm 33% thị trường săm lốp xe nội địa.
Casumina là sự tổng hòa nhiều nguồn lực kinh doanh. Bên cạnh phần vốn sở hữu 51% của Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem), công ty này còn có sự tham gia của một đối tác Hàn Quốc, sở hữu 17% cổ phần. Casumina có 200 nhà phân phối nội địa, sở hữu bộ phận nghiên cứu và phát triển và công nghệ sản xuất mới giúp giảm 5% chi phí sản xuất. Về tổ chức, Casumina vận hành với 9 phòng ban và có 6 công ty thành viên. Tuy nhiên, các quyết định về chiến lược của công ty cổ phần này vẫn phụ thuộc vào yếu tố Nhà nước (vì Nhà nước sở hữu đến 51%). Cổ phiếu CSM của Casumina hiện được giao dịch trên sàn TP.HCM với mức giá trên dưới 13.000 đồng/cổ phiếu. 
Nguồn: