Thưa ông, như NNVN đã nêu, thời
gian qua có một số thương lái mua bán trôi nổi một thứ bột lạ từ Trung
Quốc đưa sang VN để dùng pha vào mủ nước cao su tiểu điền nhằm nâng cao
khối lượng. Về mặt khoa học thì xác định chất bột lạ đó hiện nay là gì?
Hóa chất lạ này thật ra là một
chất vô cơ, có thành phần hóa học chủ yếu là X (xin không nêu cụ
thể vì tránh làm giả). Bản thân hóa chất này không gây phản ứng trực
tiếp với các thành phần của mủ cao su. Khi qua ly tâm, dù bị độn với
nồng độ nào cũng đều không có sự tách lớp rõ ràng giữa cao su khô,
serum và các thành phần cặn trong mủ.
Latex bị độn hóa chất này với nồng độ
từ 4% ÷ 5% có thể giữ mủ ổn định khoảng 2 - 3 giờ, nên rất khó nhận
biết bằng cảm quan. Theo tôi, có thể thương lái sử dụng thủ thuật độn
hóa chất này chỉ ngay trước khi bán cho nhà máy chế biến mủ cao su của
nhà nước và tư nhân để không bị phát hiện.
Vậy hóa chất lạ này có làm ảnh hưởng đến chất lượng mủ sau sơ chế không?
Latex bị độn hóa chất này với nồng độ
từ 4 % ÷ 5 % sẽ gây giảm chất lượng mủ sau sơ chế. Sau khi tiến
hành phân tích xét nghiệm cho thấy, hàm lượng tro cao hơn đối chứng
từ 4,6 ÷ > 10 lần, chất bẩn giữ lại trên rây cao từ 1,8 ÷ 4,3
lần, và chỉ số duy trì độ dẻo PRI giảm từ 10,7 ÷ 16,4. Các chỉ tiêu
này đều không đạt so với yêu cầu kỹ thuật cho phép đối với các cấp hạng
cao su chế biến từ mủ nước, gây rớt hạng thậm chí rớt xuống đến hạng
“ngoại lệ”.
Còn ảnh hưởng kinh tế thì sao?
Khi độn chất lạ này vào trong mủ
nước ở nồng độ 4% thì có thể làm tăng 1,4 độ TSC, quy ra tăng lợi
nhuận cho thương lái khoảng > 8,7 % tương đương với việc gây thiệt
hại cho nhà máy khi thu mua; tương tự, nếu độn vào trong mủ nước ở tỷ lệ
5% sẽ làm tăng 3 độ TSC, tức tăng lợi nhuận cho thương lái (hay gây
thiệt hại cho nhà máy khi thu mua) là ≥ 15%.
Nói cách khác, các nhà máy chế biến sẽ
bị mất lượng cao su khô đáng kể do hao hụt vì hàm lượng TSC xuất phát
từ việc thu mua có hóa chất lạ nói trên.
Ngoài ra, cao su bị độn bởi hóa chất
lạ này còn bị mất giá khi bán do không đạt các cấp hạng cao su chế biến
từ mủ nước như tôi đã nói.
Chúng ta phải nhận diện chất lạ đó như thế nào để có biện pháp đối phó?
Vừa qua, do mẫu hóa chất mà Hiệp hội
Cao su VN gửi đến không phản ứng trực tiếp với thành phần của
mủ nước nên rất khó có thể nhận biết qua đánh giá ngoại quan
chất lượng mủ nước. Vì vậy, để nhận diện mủ có độn bởi hóa chất dạng bột
lạ này, chúng tôi đề xuất sau:
Một là, khi thu mua mủ từ các
thương lái, nhà máy nên tìm cách trì hoãn thời gian. Vì nếu mủ
bị độn bởi hóa chất này thì sau 3 giờ mủ sẽ biến màu, chuyển từ
trắng sang tím và có sự đông kết cục bộ (vón cục).
Hai là, nếu có máy ly tâm, có thể đưa
mẫu mủ vào ly tâm với tốc độ thấp nhất (4.000 vòng/phút) trong
thời gian 5 phút. Sau khi ly tâm, nếu mủ có sự phân lớp rõ ràng (2
màu trắng và vàng hoặc trắng phần trên, phần giữa màu trong
suốt dưới cùng màu trắng đục) là mủ không có trộn hóa chất
này. Nhưng nếu sau ly tâm dung dịch mủ không có sự phân lớp rõ ràng
tức là mủ đã bị pha trộn hóa chất này.
Tuy nhiên, nhằm đối phó với những thủ
thuật pha, độn các loại hóa chất để tăng lợi nhuận cho thương lái, gây
thiệt hại cho bên nhà máy chế biến là hoàn toàn không dễ dàng chút nào.
Bởi các thủ thuật gian lận này là rất đa dạng mà việc sử dụng chất bột
này chỉ là một trong nhiều cách mà các đầu nậu thương lái thường sử
dụng. Trước mắt, các biện pháp đối phó tích cực nhất hiện nay là: Lực
lượng quản lý thị trường các cấp từ quận, huyện trở lên cùng vào cuộc,
đề ra các biện pháp ngăn chặn hành vi gian lận trong lĩnh vực mua bán mủ
cao su với mục đích bảo vệ quyền lợi cho các hộ tiểu điền, các nhà máy
chế biến và bảo vệ thương hiệu cho cao su SVR; Các nhà máy hãy tự bảo vệ
quyền lợi của nhà máy, của công ty bằng cách kiên quyết không thu mua
mủ từ các nguồn bán không tin cậy.
Xin cám ơn ông!
Nguồn: