Nghệ thuật trà đạo Nhật Bản (Phần 2)

TRÀ VỚI CUỘC SỐNG

Từ xưa tới nay, uống trà là một sinh hoạt hàng ngày của nhiều dân tộc trên thế giới. Uống trà không những có lợi cho sức khỏe mà còn là một thú vui tinh thần khi ngồi yên lặng nhâm nhi chén trà, ngẫm nghĩ về cuộc sống nhân sinh. Dần dần, việc thưởng trà trở thành một cách thức giúp con người trở lại với bản tính tự nhiên của mình. Đó chính là Trà đạo.

Tinh thần của trà đạo được biết đến qua bốn chữ “Hoà, kính, thanh, tịch”.Hòa có nghĩa hài hòa, hòa hợp, giao hòa. Đó là sự hài hòa giữa trà nhân với trà thất, sự hòa hợp giữa các trà nhân với nhau, sự hài hòa giữa trà nhân với các dụng cụ pha trà. Kính là lòng kính trọng, sự tôn kính của trà nhân với mọi sự vật và con người, là sự tri ân cuộc sống. Lòng kính trọng được nảy sinh khi tinh thần của trà nhân vươn tới sự hài hòa hoàn toàn. Khi lòng tôn kính với vạn vật đạt tới sự không phân biệt thì tấm lòng trở nên thanh thản, yên tĩnh. Đó là ý nghĩa của chữ Thanh.

Khi lòng thanh thản, yên tĩnh hoàn toàn thì toàn bộ thế giới trở nên tịch lặng, dù sống giữa muôn người cũng như sống giữa nơi am thất vắng vẻ tịch liêu. Lúc đó, thế giới với con người không còn là hai, mà cả hai đều vắng bặt. Đó là ý nghĩa của chữ Tịch. Bốn chữ “Hòa, Kính, Thanh, Tịch” như một thước đo bản thân vị trà nhân đang ở vị trí nào trên con đường Trà đạo.

Vậy thì “Trà đạo là gì?”, đã có ai trong những người quan tâm đến trà đạo chúng ta đã từng đặt câu hỏi này cho mình hay chưa. Để trả lời cho câu hỏi này, chúng ta cùng đi từ quá trình hình thành của trà đạo cho đến các dụng cụ được sử dụng trong pha trà; từ trà thất cho đến cách pha trà; từ cách phục vụ trà cho đến cách uống trà… Tất cả làm nên việc thưởng trà của chúng ta được sống động và trọn vẹn.