thuộc hệ thống thư viện Cty Cao su Việt:
Bài viết này tiếp tục giới thiệu các yếu tố khác ảnh hưởng lên tính kết dính giữa cao su và cao su. Đó là ảnh hưởng của môi trường và hiện tương phun sương xảy ra trên bề mặt cao su.
Đối với ảnh hưởng của môi trường, đầu tiên phải kể đến là hiện tượng lão hóa khi tiếp xúc với bức xạ UV từ ánh sáng mặt trời. Thông thường, cao su chưa kết mạng khi tiếp xúc với tia UV sẽ bị lão hóa và giảm tính kết dính bề mặt khi cao su được lưu hóa sau đó. Điều này được giải thích là do khi tiếp xúc với tia UV, bề mặt cao su hình thành một lớp màng mỏng không tan gây cản trở quá trình hình thành liên kết. Tác động của hiện tượng này phụ thuộc vào từng loại cao su. Cao su thiên nhiên dễ bị hỏng kết dính bề mặt nhất khi tiếp xúc với tia UV, tiếp đến là các loại cao su tổng hợp khác như cao su butadien (BR), cao su nitrile (NBR), polyisopren tổng hợp. Nhìn chung, cao su có sự không bão hòa càng nhiều thì sự giảm tính kết dính bề mặt càng lớn. Dùng dung môi lau bề mặt có thể phục hồi tính kết dính tới một mức độ nào đó. Một tác động khác của môi trường là độ ẩm. Không giống với quá trình lão hóa, khi các tác nhân oxy hóa phản ứng hóa học với cao su, ẩm được hấp phụ vật lý trên bề mặt tạo thành một lớp màng mỏng ngăn cản quá trình kết dính. Ví dụ, cao su SBR khi bị lão hóa trong môi trường có độ ẩm cao tính tự kết dính giảm nhanh khi so sánh với cao su thiên nhiên do tính hút ẩm của SBR cao hơn.
Ta tiếp tục xem xét đến ảnh hưởng của hiện tượng phun sương bề mặt lên tính kết dính. Hiện tượng phun sương lưu huỳnh hoặc các thành phần khác ở bề mặt cao su ảnh hưởng nghiêm trọng đến tính kết dính. Một vài chất phun sương sẽ nóng chảy khi nhiệt độ đạt 90oC nên không ảnh hưởng nhiều đến quá trình kết dính, tuy nhiên một số chất vẫn ở trạng thái có những vảy, bông lớn.
Hiện tương phun sương lưu huỳnh trên bề mặt cao su thiên nhiên giảm khi nhiệt độ tăng |
Đối với lưu huỳnh, để hạn chế quá trình này ta có thể sử dụng lưu huỳnh không tan, nhưng cần chú ý phải kiểm soát nhiệt độ cán trộn vì dạng lưu huỳnh không tan sẽ chuyển thành dạng lưu huỳnh tan khi nhiệt độ đạt 90oC. Trong trường hợp muốn sử dụng lưu huỳnh tan, ta phải sử dụng một lượng thích hợp trong giới hạn tan của chúng. Việc sử dụng các loại sáp bảo vệ chống lại tia UV nên được hạn chế, chỉ sử dụng khi thật cần thiết. Ta cũng có thể sử dụng các dung môi dễ bay hơi như naphtha để lau bề mặt cao su, dung môi không chỉ làm sạch chất phun sương mà còn hòa tan một phần chất nền, dẫn đến sự thay đổi kết cấu bề mặt, tăng diện tích bề mặt tự do và khả năng chuyển động của chuỗi polyme ở bề mặt phân cách.
Tóm tắt từ tài liệu Handbook of Rubber Bonding, Bryan Crowther, iSmithers Rapra Publishing, 2003, trang 145 – 147
(vtp-vlab-caosuviet)